Vì vậy, giá dầu “leo thang” do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine cũng kéo theo giá thực phẩm, các mặt hàng sản xuất và bao bì tăng.
Giá dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm là 130 USD/thùng vào ngày 6/3. Sau đó, giá dầu “hạ nhiệt” và được giao dịch ở mức 110 USD/thùng từ ngày 17/3. Mức giá này cao hơn 60% so với thời điểm giữa tháng 12/2021.
Tất nhiên, tình trạng này đã đẩy chi phí xăng lên cao, đạt mức trung bình 4,32 USD / gallon tại Mỹ vào ngày 14/3. Không chỉ thế, hầu hết mọi sản phẩm khác cũng tăng giá “chóng mặt”.
Năng lượng đang trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Điều đó có nghĩa là giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng bền vững. Rõ ràng nhất là dầu mỏ cung cấp năng lượng cho phần lớn ô tô, máy bay và các phương tiện di chuyển khác.
Khoảng 71% trong số 6,6 tỷ thùng dầu mà Mỹ tiêu thụ vào năm 2020 được sử dụng cho nhiều loại nhiên liệu khác nhau, như khí đốt, dầu diesel và nhiên liệu máy bay. Điều này đẩy chi phí vận chuyển lên cao. Từ đó, khiến việc vận chuyển mọi thứ, từ các bộ phận trong tủ lạnh đến vật dụng hằng ngày như kem đánh răng,... trở thành món đắt đỏ.
Dầu cũng là một thành phần quan trọng trong nhiều thứ mà mọi người mua, cả bao bì và chính các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm. Hóa dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ được sử dụng để sản xuất quần áo, máy tính và hơn thế nữa.
Ví dụ, số lượng polyester trong quần áo đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Hơn một nửa tổng số sợi được sản xuất trên khắp thế giới hiện được làm từ dầu mỏ, chiếm hơn 1% tổng lượng dầu tiêu thụ.
Ngoài ra, ngành công nghiệp mỹ phẩm phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Bởi, các mặt hàng như kem dưỡng da tay, dầu gội đầu và hầu hết các sản phẩm trang điểm đều được sản xuất từ hóa dầu. Giống nhiều sản phẩm khác, tất cả các sản phẩm làm đẹp đó đều được đựng trong hộp nhựa dùng một lần làm từ dầu.
Đặc biệt, ngành công nghiệp thực phẩm đặc biệt “nhạy cảm” với giá năng lượng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Bởi, xăng dầu là thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng ở mọi bước, từ trồng trọt, thu hoạch đến chế biến và đóng gói.
Điều thú vị là, quá trình sử dụng xăng dầu nhiều nhất trong canh tác công nghiệp không phải là vận chuyển hay máy móc cung cấp nhiên liệu. Thay vào đó, một lượng lớn dầu và khí tự nhiên đi vào phân bón, thuốc trừ sâu để bảo vệ ngũ cốc, rau cũng như trái cây.
Dầu cũng là một thành phần trong thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ. Dầu khoáng thường được sử dụng để giúp thực phẩm để được lâu hơn.
Tầm quan trọng của dầu mỏ đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung là một mối quan tâm lớn, kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Theo các chuyên gia kinh tế, một giải pháp hiệu quả trước tình hình hiện này là khối các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cần gấp rút tăng sản lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, điều này khó có thể diễn ra nhanh chóng do cần sự đồng thuận của nhiều nước thành viên cũng như phụ thuộc vào năng lực khai thác của từng quốc gia. Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cảnh báo, thế giới không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu của Nga. Đồng thời, kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng.
Để “tháo gỡ” được vấn đề hiện nay, có lẽ, hoà bình giữa Nga và Ukraine là yếu tố tiên quyết giúp mọi thứ có thể trở lại quỹ đạo bình thường.