Vợ chồng “hiệp lực” lừa đảo
Đầu tháng 4/2024, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An mở 2 phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử 2 vụ án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đáng nói, bị cáo trong các vụ án này lại là những cựu cán bộ, từng công tác tại cơ quan Nhà nước ở TP Vinh và TX Cửa Lò.
Ngày 2/4, sau nhiều ngày xét xử, nghị án, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên bị cáo Trần Văn Giang (SN 1984) và Nguyễn Thị Thắm (SN 1985, trú tại phường Trường Thi, TP Vinh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Giang và Thắm là vợ chồng. Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Giang là cán bộ địa chính phường Hưng Dũng, TP Vinh; còn Thắm là viên chức.
Theo hồ sơ vụ án, do không có tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, nên khoảng từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2022, vợ chồng Giang dùng thủ đoạn lừa những người thân quen, bạn bè, đồng nghiệp đầu tư góp vốn mua đất, chuyển nhượng bán cho người khác sinh lời.
Sau khi nhận tiền của các bị hại, cặp vợ chồng này không sử dụng để mua đất mà trả nợ và tiêu dùng trong gia đình.
Để tạo niềm tin cho bị hại thì thời điểm đầu tư ban đầu, vợ chồng Giang, Thắm chuyển trả tiền gốc, chuyển thêm tiền và nói dối đầu tư có lợi nhuận để bị hại tin tưởng, tiếp tục đầu tư thêm. Với thủ đoạn trên, vợ chồng Giang, Thắm đã lừa đảo nhiều bị hại, chiếm đoạt số tiền lớn.
Trong các bị hại, vợ chồng ông Nguyễn Quốc D. (trú tại TP Vinh) bị lừa nhiều tiền nhất. Theo đó, qua bạn bè Giang quen biết ông D. rồi rủ người này đầu tư góp vốn mua đất. Mới đầu, vợ chồng Giang chuyển trả tiền gốc và lợi nhuận theo đúng cam kết cho ông D.
Đầu tháng 5/2022, Giang gọi điện nói với ông D. rằng có 1 thửa đất mà chủ đang có ý định bán rồi rủ ông này góp vốn. Để ông D. tin tưởng, Giang đã chở đi xem đất. Khi bị hại tin tưởng, Giang rủ ông D. góp vốn 2,5 tỷ đồng, còn Giang bỏ vào 2 tỷ đồng, sau đó sẽ bán với giá hơn 5 tỷ đồng. Sau khi trừ tiền đầu tư thì tiền lời là 530 triệu đồng sẽ chia đôi.
Ngày 18/5/2022, Giang đưa đến cho ông D. một hợp đồng góp vốn mua đất, Giang ký vào mục “bên nhận tiền” để làm tin. Vì đã từng đầu tư với nhau nên ông D. tin tưởng, đồng ý chuyển tiền.
Sau khi nhận tiền của ông D., Giang sử dụng để trả nợ, trả tiền lừa góp vốn mua bán đất cho bị hại khác và chi tiêu cá nhân. Sau đó không lâu, cũng bằng thủ đoạn tương tự, Giang tiếp tục lừa đảo ông D. thêm 1,2 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Giang cho rằng chỉ vay tiền có trả lãi, còn nội dung góp vốn đầu tư đất là hai bên thỏa thuận chứ bị cáo không góp vốn.
Sau khi cân nhắc toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Trần Văn Giang án tù chung thân, bị cáo Nguyễn Thị Thắm 13 năm tù. Ngoài ra, tòa quyết định truy thu toàn bộ tiền gốc và tiền lãi bất hợp pháp trong vụ án này.
Cựu Chủ tịch phường “dính chàm” vì hám lợi
Bị cáo Lê Văn Bình lĩnh án chung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
TAND tỉnh Nghệ An cũng vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Văn Bình (SN 1970, trú tại phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò). Từng có thời gian dài công tác tại các vị trí Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị Cửa Lò, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa, Lê Văn Bình được người dân tin tưởng. Thế nhưng, thay vì làm một công chức lương thiện thì Bình lại nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, do cần tiền để trả nợ và tiêu xài cá nhân nên trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2021, Bình đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như: Kêu gọi các bị hại góp tiền mua đất nhưng không mua; thửa đất đó đã kêu gọi người khác góp vốn, đã bán nhưng vẫn tiếp tục kêu gọi bị hại góp vốn.
Không dừng lại ở đó, một số thửa đất đã bán cho người khác, nhưng Bình vẫn kêu gọi góp vốn mua đất để chiếm đoạt tiền của 9 bị hại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, TPHCM.
Cụ thể, thông qua các mối quan hệ, anh Nguyễn Tấn H. (trú tại TPHCM) có ý định đầu tư bất động sản nên được giới thiệu gặp Lê Văn Bình. Đầu tháng 9/2019, Lê Văn Bình kêu gọi anh H. và bạn anh H. góp tiền với Bình mua thửa đất tại phường Nghi Hòa có trị giá 4,4 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn là Bình 50%, anh H. 25% và bạn anh H. góp 25%.
Từ ngày 23 đến 25/9/2019, anh H. chuyển đủ số tiền 2,2 tỷ đồng để góp vốn cho Bình. Tuy nhiên, trên thực tế, thửa đất này Bình đã mua của người này và đã bán lại cho nhiều người khác nhau trước khi kêu gọi anh H. và bạn đầu tư.
Bằng thủ đoạn tương tự, Lê Văn Bình chiếm đoạt của 9 bị hại khác hơn 29,5 tỷ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất là hơn 8 tỷ đồng, người ít nhất là gần 700 triệu đồng.
Số tiền chiếm đoạt được Bình dùng để trả nợ, trả một phần cho các bị hại, cọc tiền mua đất. Tuy nhiên, khi chuyển trả nợ, cọc tiền mua đất thì Bình không nói cho họ biết nguồn tiền đó là do Bình phạm tội mà có.
Trước bục khai báo, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Lê Văn Bình khai nhận, do vướng vào nợ nần nên đã đưa ra thông tin gian dối với bị hại, mục đích là để lấy tiền mua thửa khác để kiếm lời.
Trình bày trước tòa, bị cáo cho hay, sau khi vỡ nợ đã bán hết tài sản, nhà cửa để khắc phục trả lại tiền cho các bị hại. Tuy nhiên, do số tiền lớn nên đến nay chưa thể trả hết.
Trước yêu cầu phải bồi thường cả tiền gốc lẫn tiền lãi của các bị hại, bị cáo xin chỉ khắc phục phần tiền nợ gốc chứ không thể khắc phục khoản tiền lãi suất và xin giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật nên cần xử lý nghiêm để có tính răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, cũng cần xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Lê Văn Bình án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc bị cáo phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.