Ghi nhớ 3 khâu khi xét tuyển đại học, cao đẳng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chỉ còn hơn 10 ngày, thí sinh sẽ phải hoàn tất việc đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia lưu ý thí sinh đăng ký nguyện vọng tránh nhầm lẫn điểm sàn và điểm trúng tuyển và các mốc thời gian quan trọng.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Lưu ý ba khâu xét tuyển

Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển sinh, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Trường Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022, quy chế tuyển sinh thay đổi khá nhiều so với các năm trước đó. Vì vậy, thí sinh phải lưu ý đến từng thay đổi trong ba khâu lớn gồm đăng ký xét tuyển, xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức và xác nhận nhập học.

Ở khâu đầu tiên – đăng ký xét tuyển, dù thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào các trường đại học ở bất kỳ phương thức nào hay xét tuyển bằng bất kỳ phương thức nào ngoài xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đều phải đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Tránh để xảy ra tình huống thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ nhưng không đăng ký trên hệ thống nên từ trúng thành trượt.

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển không giới hạn các nguyện vọng theo các phương thức khác nhau. Khi xét tuyển, các trường đại học phải xem xét các nguyện vọng này bình đẳng như nhau.

Nhấn mạnh vào khâu thứ 2 – xét tuyển lọc ảo, TS Nguyễn Đức Nghĩa phân tích, những năm trước đây, Bộ GD&ĐT chỉ lọc ảo chung đối với một phương thức là xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng năm nay, ngay từ đầu, thí sinh đã đăng ký xét tuyển theo rất nhiều nguyện vọng ở các phương thức khác nhau và sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Do đó, quá trình lọc ảo sẽ rà quét tất cả phương thức trên. Đến cuối cùng, mỗi thí sinh chỉ còn lại một và duy nhất nguyện vọng trúng tuyển.

“Thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ tập hợp tất cả nguyện vọng của thí sinh lên hệ thống dữ liệu chung rồi tiến hành lọc ảo chung, sao cho cuối cùng, mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một và chỉ một nguyện vọng duy nhất theo thứ tự từ trên xuống dưới”, TS Nghĩa phân tích.

Khâu cuối cùng trong quá trình đăng ký xét tuyển là xác nhận nhập học. TS Nghĩa lưu ý trước 17 giờ ngày 30/9, thí sinh phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT sau khi các trường đại học công bố kết quả trúng tuyển. Trong khi mọi năm, thí sinh mang phiếu điểm đến trường đại học để xác nhận trúng tuyển. Do đó thí sinh phải ghi nhớ kỹ các mốc thời gian, đăng ký hoặc xác nhận đúng theo quy định để hoàn tất quá trình xét tuyển.

“Dù thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn, trung bình mọi năm, các thí sinh thường chỉ đăng ký 4-5 nguyện vọng. Thí sinh lưu ý không đăng ký mới những ngành các em đã xét tuyển ở một trường đại học nhưng bị đánh trượt”, TS Nghĩa lưu ý.

Thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian khi đăng ký xét tuyển.

Thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian khi đăng ký xét tuyển.

Không nhầm lẫn điểm sàn và điểm trúng tuyển

Ngày 2/8 vừa qua, các trường đại học đã hoàn tất công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Thạc sĩ Nguyễn Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM lưu ý thí sinh không nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn đầu vào. Thông thường, điểm trúng tuyển của các trường đại học cao hơn điểm sàn 3-5 điểm là chuyện phổ biến. Do đó, thí sinh hãy cân nhắc làm sao để điểm thi của các em có khả năng trúng tuyển cao nhất vào ngành và trường mong muốn.

Thời điểm này, thí sinh sẽ phải “cân não”. Đầu tiên, các em phải định vị khả năng cá nhân dựa trên tố chất, năng lực hay điều kiện kinh tế... Sau đó, tính toán, cân nhắc các ngành nghề các em lựa chọn cần những tố chất nào, yêu cầu, đòi hỏi ra sao để đăng ký sao cho phù hợp.

“Thứ ba, thí sinh phải tìm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường lao động. Các em không nên vì điểm thi cao mà chọn một ngành nào đó chưa tìm hiểu kỹ càng. Thay vào đó, từ điểm thi, thí sinh hãy phát huy giá trị và sử dụng có hiệu quả nhất”, ThS Nguyên bày tỏ.

Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cũng gợi ý một cách lựa chọn nguyện vọng là thí sinh so sánh điểm thi với điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành các trường mong muốn của những năm trước. Trong quá trình đăng ký xét tuyển, thí sinh cũng cần lưu ý điền đúng thứ tự nguyện vọng, mã trường, mã phương thức xét tuyển và mã tổ hợp môn (mã ngành).

Ngoài ra, thí sinh không nên mạo hiểm đăng ký một nguyện vọng duy nhất, dù đó là nguyện vọng các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm. “Các em nên đăng ký một vài nguyện vọng, có thể là khoảng 4-5 nguyện vọng, nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều để dễ dàng kiểm soát ngành nghề phù hợp với bản thân”, ThS Nguyên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.