Ghi nhận kết quả ban đầu Chương trình hợp tác toàn cầu về giáo dục đại học

GD&TĐ - Tọa đàm về một số kết quả ban đầu của Chương trình hợp tác đối tác toàn cầu về giáo dục đại học 2021-2024 đã diễn ra chiều 28/5, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Tọa đàm do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức. Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, đây là là diễn đàn nhằm chia sẻ kết quả của các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong khuôn khổ chương trình hợp tác đối tác toàn cầu thực hiện theo thỏa thuận về giáo dục giữa Hội đồng Anh và Bộ GD&ĐT theo 3 chủ đề:

Bình đẳng giới trong giáo dục đại học; đối sánh chương trình hướng tới liên kết đào tạo; nâng cao năng lực nghiên cứu hướng tới nghiên cứu xuất sắc và phát triển bền vững.

GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu tại tọa đàm.

GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu tại tọa đàm.

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, thời gian qua, Chương trình hợp tác đối tác toàn cầu về giáo dục đại học là điểm sáng trong nỗ lực hỗ trợ và phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam, với những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp cơ hội học tập và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Giai đoạn 2021-2024, Hội đồng Anh đã hỗ trợ xúc tiến 8 dự án hợp tác đối tác giáo dục đại học giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong khuôn khổ chương trình đối tác toàn cầu, tập trung vào ba nội dung chính:

Thứ nhất, thúc đẩy hòa nhập xã hội và cân bằng giới trong lãnh đạo giáo dục đại học. Nội dung này tập trung xây dựng chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo đại học mang tính toàn diện và bình đẳng giới cho các nhà quản lý cấp trung và cấp cao tại các trường đại học ở Việt Nam;

Đồng thời khuyến khích nhiều nữ giới tham gia chương trình hơn; tạo ra một mạng lưới các nhà lãnh đạo đại học Vương quốc Anh và Việt Nam (cộng đồng thực hành) để trao đổi và đối thoại, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác trong tương lai; tổ chức các diễn đàn, đối thoại về trao quyền cho phụ nữ trong vai trò lãnh đạo giáo dục đại học.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Thứ hai, hỗ trợ phát triển các chương trình giáo dục đại học của Việt Nam nhằm chuẩn bị cho việc phát triển chương trình giáo dục xuyên quốc gia và công nhận quốc tế trong tương lai.

Dự án này tập trung hỗ trợ các lĩnh vực góp phần phát triển chương trình giáo dục xuyên quốc gia như báo cáo đối sánh chương trình, xây dựng năng lực, đề xuất thay đổi quy định trong các ngành học liên quan đến AI.

Thứ ba, hướng tới sự xuất sắc trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao kiến thức (TRIKT). Dự án này tập trung nâng cao chất lượng và sự xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao kiến thức;

Đồng thời hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam phát triển các chỉ số TRIKT bao gồm các thước đo/chỉ số chuẩn theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh trong mục tiêu ngắn hạn.

Qua đó, nhằm chuẩn bị cho các trường đại học hoạt động như những trung tâm xuất sắc đào tạo ra đội ngũ sinh viên có chất lượng và tay nghề cao. Từ đó, chuyển giao kiến thức và thực hiện các nghiên cứu hàng đầu để giải quyết các vấn đề những thách thức quốc gia cũng như toàn cầu trong mục tiêu dài hạn; đồng thời tập trung vào mô hình đại học định hướng đổi mới xã hội.

Bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc Chương trình Giáo dục, Hội đồng Anh tại Việt Nam trao đổi tại tọa đàm.

Bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc Chương trình Giáo dục, Hội đồng Anh tại Việt Nam trao đổi tại tọa đàm.

Hiện, Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trở nên mạnh mẽ, toàn diện và kết nối toàn cầu hơn, bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc Chương trình Giáo dục, Hội đồng Anh tại Việt Nam nhìn nhận khi phát biểu tại Tọa đàm.

Giáo dục đại học Việt Nam đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xã hội; trong đó Vương quốc Anh được coi là đối tác và nhà cung cấp đáng tin cậy. Trong khuôn khổ dự án, Hội đồng Anh đã hỗ trợ hợp tác nghiên cứu, cung cấp kiến thức đổi mới để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trong tương lai.

3 năm qua, Chương trình hợp tác đối tác toàn cầu đã hỗ trợ 8 dự án với 17 trường đại học Vương quốc Anh và 21 trường đại học ở Việt Nam. Hội đồng Anh đóng góp 412.000 bảng Anh (GBP) để các đối tác thực hiện nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia.

Chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.

Chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, các đơn vị tham gia, các chuyên gia đã trình bày báo cáo bước đầu về kết quả dự án hợp tác đối tác và đánh giá kết quả dự án trong công tác hỗ trợ thực hiện các ưu tiên trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2024; những tác động lớn tới các đối tượng tham gia; những khó khăn, thách thức của các dự án khi được triển khai. Cùng với đó là các ý kiến thảo luận về một số vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện chính sách các dự án hợp tác, nhằm hỗ trợ hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.