Giá trị... thầy Then
Theo các nhà nghiên cứu, Thực hành Then là một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái. Như quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (trời) nên được coi là “điệu hát của thần tiên truyền lại”.
Giá trị của Thực hành Then là thầy Then (ông Then, bà Then). Đấy là những chủ nhân điều hành các lễ Then và luôn sắm hai vai: Thầy cúng và nhạc sĩ.
Trong quá trình điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường đất đến Mường trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ cầu an, cầu mưa, chúc mừng năm mới, chữa bệnh... các thầy Then cất tiếng hát và gảy đàn tính. Chính vì thế, trong thầy Then luôn gắn liền và chứa đựng 3 giá trị: Văn học, thi ca và nghệ thuật biểu diễn.
Khi “sắm vai” là thầy cúng, thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau – tùy theo mục đích của việc cầu cúng.
Nơi thầy Then đặt mâm cúng cũng tùy thuộc hoặc ở nhà tín chủ hoặc ngoài trời mà cũng có thể tại bàn thờ Then ở nhà của mình. Thầy Then thường sử dụng những đồ vật như kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để hành lễ.
Khi “sắm vai” nhạc sĩ, thầy Then sẽ vừa đàn vừa hát, có thể hát trong suốt buổi hành lễ và hát nối dài từ canh giờ này đến canh giờ khác. Chính vì thế, Then có một bộ lời ca đồ sộ bằng thơ bảy chữ, có giá trị văn học, phản ánh đời sống xã hội của người Thái, Tày, Nùng, Thái.
Bộ lời ca đó thường kể những chuyện thần tiên như chuyện cứu nhân độ thế, chuyện ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão... và cũng kể những chuyện rất đời thường như chuyện trồng cấy, chuyện tình yêu, chuyện sinh hoạt cộng đồng...
Coi bộ lời ca của Then là một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam đánh giá những lời ca đó rất đa dạng gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống ông cha.
Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ của nghệ thuật ngôn từ; những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then qua năm tháng.
Có một điều thú vị nữa là hát Then luôn gắn liền với nhạc tính. Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoành Loan, có lẽ không một hình thức tín ngưỡng nào lại có nghệ thuật âm nhạc thống trị từ đầu đến cuối như Then.
Và, cái tài của thầy Then là sử dụng cây đàn không có phím ấy nên việc lựa phím, tạo âm là theo ngẫu hứng. Vì thế, âm nhạc hát Then không bị hạn chế ở các cung bậc có sẵn mà rất đa dạng, nhất là sự chuyển động theo cung quãng luôn phong phú.
Thêm nữa, mỗi thầy Then là một nhà sáng tác văn học trên những khung có sẵn. Tuy rằng, có những thầy Then thực hành khoảng 200 nghi lễ Then trong một năm thế nhưng lời hát không hề bị trùng lặp, thậm chí có những thầy Then còn thăng hoa, đặt thêm lời đầy ngẫu hứng mà luôn ăn khớp với nội dung nghi lễ.
Trải qua biết bao biến thiên của cuộc sống, thực hành Then vẫn được các thầy Then lưu giữ và truyền lại cho đời sau theo hình thức truyền miệng cho đến ngày nay. Việc truyền dạy do các thầy Then thực hiện là chủ yếu, ngay trong nghi lễ Then với những kỹ năng và bí quyết liên quan đến nghi lễ.
Nghi lễ tâm linh độc đáo
Các nghệ nhân tham gia Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn tính. Ảnh: IT. |
Các nhà nghiên cứu Thực hành Then đều lưu ý, di sản văn hóa phi vật thể này là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Nghi lễ tâm linh độc đáo ấy cũng luôn phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao (Xuân Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang), trong hơn 20 năm làm thầy Then, ông luôn chú ý đến yếu tố hòa hợp lời nói, tiếng hát, tiếng đàn. Cũng vì, hơn ai hết, ông luôn hiểu mỗi thầy Then là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước của người dương gian gửi tới thánh thần.
Nhất là vào mỗi dịp lễ, Tết thầy Then là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.
“Tôi thường kết hợp các nghi lễ với nhiều làn điệu Then cổ như: Tàng bốc - Pây Cảnh, tàng tính, tàng nặm... Mỗi làn điệu kết hợp với đàn tính sẽ mang lại những cách thể hiện riêng, biểu đạt nhiều cung bậc cảm xúc để có thể bày tỏ lòng thành kính với Mường Trời” – Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao cho biết.
Điều này cũng được báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Thực hành Then ở Việt Nam nêu rõ: Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc.
Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam. Việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau.
Theo số liệu kiểm kê Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam có ở 11 tỉnh, hiện có 817 Thầy Then (213 nam, 604 nữ); trong đó có 439 người Tày, 328 người Nùng, 23 người Thái và 27 người ở các tộc người: Kinh, Cao Lan, Dao, Hoa.
11 tỉnh có di sản Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang) và Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai)...
Mỗi tỉnh đều có những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú vẫn đang miệt mài lưu giữ và truyền dạy nghi lễ Then hoặc trực tiếp tại cộng đồng với những nhóm, đoàn nghệ thuật hoặc trong trường học khi các tỉnh có kế hoạch đưa hát Then và tính tẩu vào chương trình giảng dạy.
Chẳng hạn như tại tỉnh Tuyên Quang, với sự truyền dạy tâm huyết của các nghệ nhân như NNND Hà Thuấn, NNƯT Hà Ngọc Cao, NNƯT Ma Văn Đức..., nhiều học sinh đã biết hát Then, đánh đàn tính và là thành viên nòng cốt trong đội văn nghệ. Chính vì thế, sức sống của Then đã luôn được bản đảm bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng.
Về phía Nhà nước, từ năm 2012, di sản Then của 11 tỉnh lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thường xuyên được kiểm kê, cập nhật. Trước đó, từ năm 2001, Chính phủ đầu tư kinh phí từ các Chương trình quốc gia về văn hóa để bảo vệ di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có nghi lễ Then.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đã được ban hành; hoạt động nhận diện, kiểm kê và tư liệu hóa được triển khai.
Trách nhiệm bảo tồn
Từ Lạng Sơn về Hà Nội để tham gia Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam hồi tháng 11, các nghệ nhân của Đoàn Nghệ thuật hát Then, Đồng Đăng, Lạng Sơn chia sẻ rằng, việc đưa hát Then đến với nhiều vùng miền trong cả nước là trách nhiệm của mỗi người Tày, Thái Nùng. Cũng vì, di sản văn hóa phi vật thể chỉ có sức sống khi được trình diễn rộng rãi đến mọi đối tượng công chúng chứ không phải giữ bo bo cho cộng đồng dân tộc mình.
Chính vì thế, theo một nghệ nhân, tham gia Đoàn Nghệ thuật hát Then, bà đã được cùng các nghệ nhân khác đi đến nhiều nơi trong cả nước, từ Hà Nội đến Huế rồi vào trong TP Hồ Chí Minh để trình diễn.
Với các nghệ nhân này, được quảng bá Thực hành Then là luôn sẵn sàng lên đường, dù rằng nhiều khi còn phải tự bỏ tiền túi để lo kinh phí đi lại cũng như lo mua đàn, may trang phục, làm vòng bạc...
Đấy là khi Thực hành Then chưa được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Còn giờ đây, sự hào hứng được quảng bá Thực hành Then của các nghệ nhân dân tộc Tày, Nùng, Thái càng nhân lên gấp bội. Như NNƯT Lưu Xuân Lai (thôn Đồng Uẩn, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, Thái Nguyên hay nghệ nhân Hoàng Đức Thăng (bản Dâng, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)... vẫn ngày ngày truyền dạy hát then đàn tính cho những người yêu mến di sản, đặc biệt là các bạn trẻ.
Dẫu vậy, sự lưu giữ và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vẫn còn cần lắm sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt là chính sách cụ thể cho các nghệ nhân. Chẳng phải sao khi hiện nay có những nghệ nhân cao tuổi vẫn âm thầm truyền dạy Thực hành Then trong những điều kiện đời sống, kinh tế rất khó khăn rất cần nhận được sự bảo trợ của Nhà nước.
Cùng với đó, cần có những cơ chế động viên một số nghệ nhân cao tuổi cởi mở hơn trong việc truyền dạy những vốn cổ mà không phải ai cũng nắm giữ được, nếu không khi các nghệ nhân quy tiên thì sẽ đồng nghĩa với việc di sản Thực hành Then bị mai một, những bài hát cổ sẽ bị thất truyền.
Mặt khác, những chính sách thích đáng cho các nghệ nhân giỏi, những gia đình có công gìn giữ di sản cũng rất cần thiết. Hay như, việc mở rộng hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm hướng tới trao truyền những giá trị của di sản cho lớp trẻ… cũng là những việc cần làm để bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc của một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh như Thực hành Then.