Dáng vẻ lam lũ, tay xách chiếc túi nhựa, bà Đoàn Thị Mão (75 tuổi, Hà Nội) tìm đến văn phòng của luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhờ làm thủ tục ly hôn.
Quyết định của người phụ nữ này khiến vị luật sư bất ngờ. Theo luật sư Tiền, phần lớn chuyện ly hôn xảy ra ở các cặp vợ chồng trẻ, còn ở độ tuổi bà Mão thường khá hiếm hoi.
Ảnh: Shutterstock. |
“Bao nhiêu năm qua tôi nín nhịn để các con không phải xấu hổ vì có bố mẹ bỏ nhau. Giờ chúng đã trưởng thành, tôi muốn giải thoát cho mình khỏi người chồng vô tâm đó. Sống dưới một mái nhà chỉ thêm mệt mỏi”, bà Mão nói.
35 tuổi, bà mới lập gia đình với người đàn ông cùng làng tên Văn, từng có một đời vợ.
Người vợ cũ đó không cam phận cuộc sống nghèo khó nên dứt áo ra đi, để lại con gái mới lên 2 tuổi cho ông Văn nuôi dưỡng.
Tuy vậy ông không hề trách cứ mà vẫn yêu thương, hi vọng một ngày vợ trở về đoàn tụ. Đó là mối tình đầu sâu sắc của ông Văn.
Mọi kỷ vật về vợ được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận. Sự si tình của ông khiến hàng xóm phải lắc đầu ngao ngán.
Sau này, con gái lên 10 tuổi, mọi chuyện đau buồn trong quá khứ dần nguôi ngoai, ông đồng ý tái hôn với bà Mão và sinh thêm 2 cậu con trai.
Người phụ nữ lớn tuổi thừa nhận, mình đã có cuộc hôn nhân kéo dài 30 năm nhưng chưa một ngày cảm thấy hạnh phúc.
Nguyên nhân xuất phát từ sự ‘đồng sàng dị mộng’ của chồng. Ông Văn vẫn đêm ngày ôm ấp bóng hình người vợ cũ trong tim, hờ hững với vợ mới.
Ban đầu bà không ghen tuông, cho rằng tất cả đã là chuyện quá khứ. Hai vợ chồng sống bên nhau, kề cận sớm tối, sẽ có lúc ông Văn hồi tâm chuyển ý, yêu thương và trân trọng bà.
Vậy nhưng năm tháng qua đi, bà và ông Văn vẫn không tìm được tiếng nói chung. Bà sinh nở, ốm đau chưa bao giờ nhận được sự chăm sóc từ chồng.
Đặc biệt là khoảng thời gian ông lên Lạng Sơn làm thuê, lấy cớ bận rộn, ông Văn đi biền biệt, Tết chỉ về thăm con vài hôm. Bà ngỏ ý muốn lên thăm, xem chồng ăn ở ra sao, đều bị chồng từ chối.
Luật sư Trần Xuân Tiền. |
“Thời gian sau bà Mão tìm hiểu, mới biết chồng ít về nhà vì vợ cũ ông đang sinh sống tại Lạng Sơn. Ông Văn còn thuê trọ gần nhà người này, thi thoảng có cơ hội gặp mặt”, luật sưTiền nhớ lại.
Bị chồng đối xử lạnh nhạt, lại nghi ngờ chồng qua lại với tình cũ, bà Mão đau khổ, nảy sinh sự hằn học.
Khi tuổi tác cao, ông Văn không đi làm thuê nữa. Lúc này, ông mới về ở cùng vợ. Hai người như ‘nước với lửa’, chẳng bao giờ ngồi ăn được bữa cơm hòa thuận. Hễ bưng bát cơm là bà Mão dằn vặt chồng.
Bà muốn ông cũng phải chịu sự dày vò như bà từng trải qua. Không chịu nổi cảnh bố mẹ suốt ngày gây lộn, cãi cọ nhau, các con tách họ ra.
Điều khiến luật sư Tiền ngạc nhiên là cô con gái riêng của chồng lại đón bà về phụng dưỡng, còn ông ở với con trai út.
Bởi dù không hạnh phúc với chồng nhưng bà Mão vẫn nuôi con chồng và con riêng rất chu toàn. Cả 3 người con đều ra thành phố học hành bằng sự tần tảo, tích cóp của bà.
Bà Mão đề nghị luật sư Tiền khẩn trương làm thủ tục ly hôn cho mình. Bà hi vọng năm tháng cuối đời không phải suy nghĩ, vướng bận về người chồng bạc bẽo.
Sau khi nghe tâm sự của bà, luật sư khuyên bà Mão bình tâm, hàn gắn với chồng.
Hơn nữa, trong chuyện rạn nứt tình cảm vợ chồng, bà Mão cũng có một phần lỗi. Bởi bà chưa bao giờ thẳng thắn, bộc bạch cùng chồng những suy nghĩ của mình. Từ đó khoảng cách giữa hai người ngày càng xa.
Tuy nhiên, bà kiên quyết giữ nguyên quan điểm của mình. Người phụ nữ khẳng định, đây là lần duy nhất bà có thể sống cho bản thân.
Ngày ra tòa, hai vợ chồng bà Mão được các con đưa đến. Trước mặt thẩm phán, bao nhiêu hờn giận, ai oán, bà trút ra hết. Ông Văn ngồi lặng thinh, cúi gằm mặt.
Trước khi nghe thẩm phán đọc quyết định thuận tình ly hôn, ông Văn đứng dậy, nói lời cuối. Giọng rưng rưng, ông xin lỗi vợ. Bao năm qua ông không ngờ mình đã để bà phải chịu uất ức đến thế.
“Cả đời này tôi không còn cơ hội bù đắp cho bà, chỉ xin bà bỏ qua thù hận, sống vui vẻ với các con”, ông Văn xúc động nói.
Kết thúc phiên tòa, hai người họ đi về hai hướng. Hôn nhân của họ chấm dứt dễ dàng bằng tờ giấy mỏng manh nhưng khiến nhiều người phải tiếc nuối.