Có nhiều lí do, điển hình là thái độ làm việc thiếu nghiêm túc, lười biếng, cảm tính…
Muôn vàn lý do… nghỉ việc
Generation Z hay gọi tắt là “gen Z” là nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012. Tại Việt Nam, “gen Z” chiếm khoảng 25% lực lượng lao động cả nước, tương đương khoảng 15 triệu người.
Gần đây, trên nhiều nền tảng mạng xã hội xuất hiện các bài đăng phàn nàn về văn hóa làm việc của “gen Z” thu hút nhiều quan tâm và tạo nên làn sóng tranh luận.
Anh Bùi Hoàng Tuấn (35 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là quản lý chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm cho biết, anh đang điều phối khoảng 20 nhân sự, trong đó hầu hết là các bạn trẻ. Ở cương vị người quản lý, anh Tuấn cho hay, không ít lần gặp phải tình trạng nhân sự “gen Z” nghỉ việc đột ngột mà không báo cáo.
“Khi phỏng vấn tôi khá thích các bạn trẻ vì cảm nhận được sự nhiệt huyết, cá tính mạnh mẽ. Thế nhưng, trong quá trình họ làm việc, nếu có gì không vừa ý là sự nhiệt tình ban đầu giảm đi nhanh chóng. Và thay vì nói ra để có hướng giải quyết thì các bạn chọn cách im lặng và lặn mất tăm”, anh Tuấn chia sẻ.
Tâm sự về những trải nghiệm khi làm việc cùng với thế hệ Z, chị Đỗ Ngọc Ly (40 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đã nhiều lần rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Là trưởng phòng nhân sự, chị Ly đã gặp vô vàn lý do “gen Z” xin nghỉ việc: Giận dỗi vì bị sếp mắng, không ưa đồng nghiệp,… Thậm chí là “có chuyến đi du lịch dài ngày nhưng công ty không cho nghỉ lâu”, hay không cân bằng được cuộc sống và áp lực công việc,…
Chị Ly cho rằng đây là những lý do không thuyết phục vì trước khi ứng tuyển, các bạn đều đã thông qua bản mô tả công việc, hiểu rõ tính chất công việc.
“Dường như gen Z là một thế hệ quá nhạy cảm, đặc biệt cái ‘tôi’ rất cao. Họ xem trọng cảm xúc và lợi ích cá nhân thay vì nghĩ cho tập thể. Chỉ cần một câu trách móc, góp ý của đồng nghiệp cũng khiến họ phật ý, cảm bị tổn thương và đòi nghỉ việc”, chị Đỗ Ngọc Ly chia sẻ.
Sự khác biệt thế hệ
“Gen Z” trưởng thành vào thời điểm mạng xã hội bùng nổ, vì vậy họ có thế mạnh về tiếp cận truyền thông đại chúng, dễ dàng hội nhập trở thành công dân toàn cầu. Thế nhưng xét ở góc độ khác, tư tưởng của các bạn trẻ này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các nền tảng mạng xã hội.
“Ta chỉ sống một lần trên đời”, “Thanh xuân là quãng thời gian không thể lấy lại được”, “Hãy làm những gì mình thích” là một số phong cách sống được nhiều bạn trẻ tung hô trên mạng xã hội. Những điều này vô tình đã chi phối tư tưởng, lối suy nghĩ và lối sống của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, nếu không tiếp nhận thông tin cẩn thận, có chọn lọc và thấu đáo thì các bạn trẻ rất dễ có những hành động bồng bột.
Bạn Đỗ Quỳnh Chi (23 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có những suy nghĩ về sự cống hiến trong công việc khá khác biệt với các thế hệ đi trước.
“Nhiều người cho rằng thế hệ bọn em là một thế hệ lười biếng, không chịu cống hiến và đòi hỏi quá nhiều. Tuy nhiên ở một góc độ khác, em cho rằng công việc chỉ là một phần của cuộc sống, ngoài ra còn nhiều thứ khác cần được quan tâm như sức khoẻ, tinh thần, giải trí, các mối quan hệ,… Vì vậy, khi đi làm, em sẽ chỉ thực hiện đúng nhiệm vụ, hoàn thành đúng công việc của bản thân. Nếu có tăng ca thì công ty phải trả thêm tiền lương chứ không thể đòi hỏi nhân viên phải cống hiến không công được”, Đỗ Quỳnh Chi nêu quan điểm.
Quỳnh Chi cũng thẳng thắn bày tỏ không đồng tình với sự thiếu trách nhiệm trong hành xử, công việc của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay. “Cũng là một người thuộc ‘gen Z’ song em thấy không chấp nhận được thái độ làm việc lười nhác, vô kỷ luật của nhiều bạn trẻ ngày nay: Đi trễ về sớm, thích là nghỉ việc ngang, cư xử không đúng mực với cấp trên và đồng nghiệp,… Nhưng theo em, đây không chỉ là vấn đề thế hệ mà do tư duy và bản tính của cá nhân đó. Cho nên, em nghĩ rằng không nên vì một bộ phận mà đánh đồng cả một thế hệ”, cô gái này nói.
Nhìn nhận của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tuyển dụng gần đây cho thấy có sự khác biệt lớn về nhận thức giữa thế hệ lao động mới và cũ. Nếu như các thế hệ đi trước chuộng sự ổn định, có xu hướng gắn bó với công việc dài lâu thì gen Z lại có xu hướng thích thay đổi. Nhiều bạn trẻ gen Z quan niệm rằng, giữa nhân viên và doanh nghiệp là mối quan hệ win - win, vì vậy họ sẵn sàng thay đổi môi trường làm việc nếu cảm thấy không phù hợp hoặc được trả lương không xứng đáng.