Gel giảm đau từ quả ớt

GD&TĐ - Nhóm các nhà khoa học Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng đã nghiên cứu, điều chế ra sản phẩm giảm đau từ quả ớt, góp phần nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu điều trị.

Sản phẩm giảm đau từ ớt được các nhà nghiên cứu Việt Nam phát triển.
Sản phẩm giảm đau từ ớt được các nhà nghiên cứu Việt Nam phát triển.

TS Đỗ Minh Hoàng, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, cho biết, ớt là loại trái thuộc chi Capsicum của họ Cà (Solanaceae). Trong ớt, có chứa Capsaicin là một alkaloid chiếm tỷ lệ khoảng 0,05 - 2%.

Capsaicin là hoạt chất gây đỏ, nóng, được sử dụng để giảm đau tại chỗ, do capsaicin có khả năng làm giảm chất P - một neuropeptid chủ yếu tham gia dẫn truyền các xung động từ ngoại vi tới hệ thống thần kinh trung ương. Hợp chất capsaicin đã được nhiều tác giả ngoài nước chứng minh có tác dụng giảm đau, giảm viêm.

Tuy nhiên, capsaicin kém tan, khó thẩm thấu qua da nên gây tác dụng phụ nóng rát trên da. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, khi nang hóa capsaicin trong một số hệ mang nano là tăng khả năng thẩm thấu vào da, từ đó làm giảm tác dụng phụ (đỏ, nóng) và tăng hiệu quả của capsaicin.

Các nhà khoa học Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu bào chế sản phẩm giảm đau chứa nano cao ớt”, với mục tiêu bào chế gel giảm đau chứa nano capsaicinoid có hiệu quả tương đương hoặc tốt hơn sản phẩm đối chiếu trên thị trường, đáp ứng được độ an toàn và giá thành phù hợp.

Theo đó, ớt hiểm được thu hái ở TPHCM và TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được nhóm sơ chế rửa sạch, xay nhỏ thành bột để điều chế cao ớt. Từ đó, nhóm khảo sát tỷ lệ cao ớt phù hợp nhất có thể tạo được hệ tiểu phân nano ổn định, kích thước nhỏ.

Với quy mô 5 kg nguyên liệu/mẻ, nhóm thu được 117g cao ớt, chứa 11,03% capsaicin. Ngoài ra, cao chiết còn chứa một số thành phần hóa học khác     như chất béo, carotenoid, triterpenoid tự do, alkaloid, saponin, các hợp chất khử và acid hữu cơ.

Sau khi điều chế được cao ớt nano, nhóm phát triển sản phẩm gel giảm đau với một số thành phần như nano cao ớt (0,15% capsaicin), tá dược tạo gel, Propylene glycol (5%), Glycerin (1%), Menthol (0,5%), Camphor (0,5%), nước cất…

Trong đó, hỗn hợp menthol - camphor được nhóm nghiên cứu thêm vào công thức với tỷ lệ nhỏ, nhằm mục đích tăng hiệu quả trị liệu của sản phẩm, giúp làm dịu cảm giác nóng rát, mùi hăng cay gây ra bởi capsaicin, tạo cảm giác dễ chịu cho sản phẩm khi thoa lên da.

TS Đỗ Minh Hoàng cho biết, khi thử nghiệm trên thỏ trắng và chuột, gel nano cao ớt kích ứng không đáng kể trên da thỏ. Ngoài ra, gel nano cao ớt thể hiện tác động giảm đau trung ương trên mô hình nhúng đuôi chuột tương đương với thuốc giảm đau thương mại paracetamol/codein và cao hơn so với sản phẩm thương mại capzacin.

Đồng thời, sản phẩm cũng thể hiện tác động giảm đau ngoại biên trên mô hình nhúng đuôi chuột gây đau quặn bằng acetic acid, thấp hơn thuốc giảm đau thương mại voltaren và tương đương với sản phẩm thương mại capzacin ở giai đoạn 35 - 40 phút sau khi bôi.

“Gel chứa nano cao ớt còn có khả năng kháng viêm tương đương thuốc thương mại diclofenac, cao hơn kem bôi capzacin”, nhóm nghiên cứu khẳng định.

Về mặt cảm quan, gel nano cao ớt mềm, mịn, đồng nhất, không vón cục, có màu đỏ cam và mùi đặc trưng, bắt dính được trên da hay niêm mạc khi bôi, không tách lớp, không chảy lỏng. Thời gian sử dụng của sản phẩm ít nhất là 12 tháng.

Theo TS Võ Đỗ Minh Hoàng, chủ nhiệm đề tài, hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhóm thuốc giảm đau - kháng viêm và được sử dụng rộng rãi ở nhiều dạng khác nhau như uống, dán, kem bôi ngoài da, xịt.

Việc bào chế thành công sản phẩm giảm đau chứa nano cao ớt, góp phần tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống với giá cả hợp lý và góp phần nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu điều trị thay thế thuốc ngoại nhập.

Đồng thời, tạo ra vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị của cây ớt, cũng như tăng thu nhập cho người dân trồng ớt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ