GD&ĐT chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế

GD&ĐT chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế

Hợp tác song phương, đa phương đạt kết quả ấn tượng

Đánh giá của Bộ GD&ĐT, hợp tác song phương trong lĩnh vực GD&ĐT đi vào thực chất, hợp tác đa phương tiếp tục được củng cố. Giai đoạn 2013-2017, 68 thỏa thuận quốc tế, 23 Điều ước Quốc tế được ký kết, tăng 15% số lượng văn bản ký kết so với cùng kỳ những năm trước, tạo hành lang pháp lý triển khai nhiều chương trình hợp tác.

Số lượng, quy mô các chương trình học bổng hiệp định, học bổng từ chương trình tài trợ; viện trợ không hoàn lại cho các dự án vừa và nhỏ tăng lên nhanh chóng. Hợp tác song phương với các nước trong khu vực tiếp tục được duy trì và mở rộng. Hợp tác với nhóm các nước Lào, Campuchia. Myanma tiếp tục được tăng cường, số lượng học bổng giữa Việt Nam và các nước trong nhóm tiếp tục tăng lên. Sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam (chủ yếu là Lào và Campuchia) tiếp tục tăng nhanh .

Kết quả hợp tác được các bên liên quan đánh giá cao, góp phần tích cực vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập sâu rộng với quốc tế, khu vực.

Hợp tác đa phương được đẩy mạnh, đặc biệt trong khuôn khổ EU, ASEM, APEC trên cơ sở Hiệp định hợp tác, đối tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về hợp tác giáo dục. Hợp tác trong khuôn khổ ASEAN đạt kết quả ấn tượng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong những năm giữ vị trí chủ tịch SEAMEC, thực hiện các kết quả theo tuyên bố chung ASEAN về giáo dục ĐH, xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Đề án ASEAN, Khung trình độ tham chiếu ASEAN... 

Công tác phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ hợp tác các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam), ASEAN, ASEM, EU, APEC được chú trọng; sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ, hỗ trợ từ UN, UNESCO, UNICEF, GPE, các tổ chức phi chính phủ và các định chế tài chính WB và ADB cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và nguồn lực từ các quốc gia phát triển cho các chương trình tăng cường chất lượng giáo dục ĐH, đảm bảo triển khai bám sát chủ trương, chiến lược đổi mới, phát triển giáo dục của Việt Nam.

Tăng số cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

Ngày 26/9/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực GD&ĐT, tạo khung pháp lý cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trước khi Nghị định này được ban hành, chỉ có 10 cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, có 29 trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam.

Tương tự, trước năm 2013 chỉ có 2 trường ĐH, nhưng năm 2017 đã có 5 trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình GD&ĐT tiên tiến, hoạt động theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em người có quốc tịch nước ngoài đến làm việc tại địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho một bộ phận công dân Việt Nam được học tập trong môi trường tiêu chuẩn quốc tế. 

Cũng theo Bộ GD&ĐT, đã có 531 chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) với nước ngoài đã được phê duyệt. Có 339 chương trình đang hoạt động và 192 chương trình đã chấm dứt hoạt động. Khoảng 80.000 người đã theo học các chương trình LKĐT, trên 40.000 đã hoàn thành chương trình và được cấp bằng. Số chương trình LKĐT được triển khai thực hiện hàng năm ở thời điểm trước, sau năm 2013 không có sự thay đổi rõ ràng.

Tuy nhiên, Nghị định 73/2012/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý rõ ràng giúp đẩy mạnh công tác quản lý, nâng cao chất lượng các chương trình LKĐT tại Việt Nam và bảo đảm quyền lợi người học. Công tác thanh tra, kiểm tra các chương trình liên kết, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý các chương trình LKĐT được triển khai thường xuyên.

Giai đoạn 2013-2017, số LHS theo các đề án tuyển chọn tăng 20% mỗi năm. Đến năm 2017, có 1.675 LHS được cử đi theo Đề án 911. Ngành Giáo dục tích cực ký kết hợp tác giáo dục với các trường ĐH nhằm giảm học phí, tăng sự hỗ trợ cho nghiên cứu sinh, tiết kiệm khá lớn ngân sách nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ