Quốc hội xem xét đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP

GD&TĐ - Sáng nay (2/11), trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Theo Tờ trình, về cơ bản Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến chương sở hữu trí tuệ, chương mua sắm của Chính phủ, chương quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng. Để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

Hiệp định quy định nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước, và mở rộng đến các vấn đề phi truyền thống trong đàm phán, kí kết các hiệp định tự do thương mại như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư. Hiệp định CPTPP được đánh giá là một hiệp định tự do thương mại chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. 

Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa, chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á – Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN cũng như trên trường quốc tế.

>>> XEM CHI TIẾT TỜ TRÌNH TẠI ĐÂY

Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 06 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo bằng văn bản với Cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ