GD trẻ khuyết tật: Giáo viên cần điều chỉnh phù hợp với từng học sinh

GD&TĐ - Như mọi trẻ em khuyết tật, trẻ khuyết tật học tập cũng có năng lực, tiềm năng phát triển và ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của mọi người xung quanh. 

GD trẻ khuyết tật: Giáo viên cần điều chỉnh phù hợp với từng học sinh

Nâng cao nhận thức  của cán bộ quản lí, giáo viên và phụ huynh

Nâng cao nhận thức pháp lí và nhận thức xã hội

Các em có quyền được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng. Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật cũng như Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam đều khẳng định rằng người khuyết tật có quyền được đi học. Không ai có thể từ chối quyền được đi học của các em. Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ GD&ĐT có những ban hành về chính sách, thông tư hướng dẫn, hành động cần thiết để trẻ khuyết tật được thụ hưởng quyền được giáo dục của mình.

Học sinh khuyết tật học tập là một dạng rối loạn phát triển cần được đưa vào Luật Người khuyết tật để các em được hưởng chế độ như các khuyết tật khác.

Học sinh khuyết tật học tập được học tập trong môi trường giáo dục hòa nhập thân thiện, bình đẳng và có chất lượng. Việc các em được học tập cùng với các học sinh khác sẽ góp phần tạo ra một xã hội không kì thị, nơi có thể nuôi dưỡng các giá trị công bằng về quyền và cơ hội.

Nâng cao năng lực nhận diện học sinh khuyết tật học tập đang học trong nhà trường phổ thông

Để học sinh khuyết tật học tập học hòa nhập tốt trong trường phổ thông nơi các em ở hiệu quả thì khâu đầu tiên là giáo viên phải nhận diện được học sinh khuyết tật học tập. Giáo viên cần nắm được khả năng và nhu cầu của các em. Việc đánh giá, nhận diện cần qua 3 bước:

Đánh giá nhận diện: Đánh giá ban đầu cung cấp cho giáo viên những thông tin về học sinh: Khả năng và nhu cầu của học sinh, các biểu hiện khó khăn; Chỉ ra nguyên nhân khuyết tật học tập; Điều kiện, hoàn cảnh sống của học sinh. Đánh giá sàng lọc, nhận diên thường là một bảng kiểm dành cho giáo viên. Điều kiện được đưa ra khi giáo viên sử dụng bảng kiểm là dạy học lớp có học sinh tham gia đánh giá ít nhất hai tháng. Hiện nay, bảng kiểm sàng lọc học sinh khuyết tật học tập được các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục xây dựng và triển khai đánh giá ở diện rộng trên toàn quốc.

Trong Bảng kiểm, ngoài các tiêu chí nhận diện học sinh khuyết tật học tập còn đưa ra các tiêu chí loại trừ không phải là học sinh khuyết tật học tập như: Khó khăn về nhìn (HS khiếm thị), khó khăn về nghe – nói (HS khiếm thính), khó khăn lĩnh hội kiến thức (HS khuyết tật trí tuệ), HS có biểu hiện rối loạn phát triển (ADHD, tự kỉ,...), khuyết tật vận động, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS bị bỏ rơi giáo dục, HS là người nước ngoài.

Đánh giá chỉ số trí tuệ (IQ): để loại trừ các trường hợp học sinh khó khăn đặc thù do khuyết tật trí tuệ.

Đánh giá những khó khăn của trẻ và mức độ khó khăn: Sau khi hỗ trợ và can thiệp, đánh giá cuối cùng là sự tiến bộ của trẻ.

Điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học và cách thức đánh giá

Điều chỉnh được hiểu là: Thay đổi về mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức và đánh giá kết quả dạy học phù hợp với nhu cầu, khả năng và hứng thú nhằm phát triển đến mức tối đa tiềm năng và năng lực của học sinh.

Đối với học sinh khuyết tật học tập, sự điều chỉnh là rất cần thiết. Tùy theo khả năng nhận thức và mức độ khó khăn của học sinh mà giáo viên lựa chọn cách thức điều chỉnh.

Các điều chỉnh phải đạt được yêu cầu sau: Các điều chỉnh đều được thực hiện trên bản KHGD cá nhân của học sinh; Nội dung dạy học cần điều chỉnh không được xây dựng riêng rẽ mà dựa trên nội dung dạy học của môn học và chuẩn kiến thức kĩ năng môn học đó; Việc điều chỉnh phải thích ứng với trình độ nhận thức, khả năng học tập của học sinh; Điều chỉnh được tiến hành từ mục tiêu, kiến thức, kĩ năng và đánh giá kết quả học tập của các em, cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện về cơ sở vật chất, đồ dùng và phương tiện dạy học.

Cần bồi dưỡng năng lực chuyên môn về GD đặc biệt cho giáo viên

Trên cơ sở thực tế trường phổ thông Việt Nam đang tồn tại học sinh khuyết tật học tập, ngành GD&ĐT cần tiến hành các hoạt động bồi dưỡng năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Các hoạt động này nên được đưa vào kế hoạch và chương trình hành động chung cho ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông (bậc Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông). Đối với giáo dục đại học, cần đưa vào chương trình học cho sinh viên sư phạm các ngành Giáo dục Đặc biệt, Giáo dục Tiểu học; các ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội,… những học phần về Khuyết tật học tập đặc thù.

Đối với học sinh khuyết tật học tập, sự điều chỉnh là rất cần thiết. Tùy theo khả năng nhận thức và mức độ khó khăn của học sinh mà giáo viên lựa chọn cách thức điều chỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ