Một số giáo viên tiểu học có tâm huyết cũng than phiền rằng, năm nào lớp của họ cũng có một vài em gặp khó khăn về khả năng tiếp thu và học lực kém xa so với các bạn cùng học. Vậy thực hư của tình trạng này là gì? Làm cách nào để giúp những HS đó vươn lên trong học tập?
Nhận diện “khuyết tật học tập”
Các nghiên cứu gần đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, bất kỳ một cộng đồng nào cũng có một bộ phận HS có khó khăn trong học tập, bao gồm nhiều nguyên nhân, như: Môi trường GD, hoàn cảnh gia đình, đặc thù địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, bị các dạng khuyết tật (như: Khiếm thị, khiếm thính, trí tuệ, rối loạn cảm xúc...). Đặc biệt, có một nhóm đối tượng HS không có biểu hiện của những nguyên nhân trên nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Những em thuộc nhóm đối tượng này có khó khăn đặc thù chủ yếu là nghe, nói, đọc, viết, tính toán…; được đưa vào dạng “khuyết tật học tập”.
Theo kết quả điều tra năm 2016 của Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), được tiến hành tại 30 trường tiểu học thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Lào Cai, tỷ lệ khuyết tật học tập (dạng khó khăn đặc thù về đọc, viết và tính toán) chiếm khoảng 10%. Đa số HS khuyết tật học tập có kết quả học tập thấp, song trên thực tế, nhiều em lại không hề thua kém bạn bè đồng trang lứa ở các lĩnh vực khác trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Những biểu hiện thường gặp ở HS khuyết tật học tập là: Khả năng ghi nhớ kém (các em thường quên cách đánh vần, quy tắc chính tả, bảng cửu chương, lời thầy, cô dặn...); khả năng tập trung hạn chế (các em chỉ tập trung được trong thời gian ngắn, thường lơ đãng và bị chi phối bởi những hoạt động xung quanh); các em có tâm lý tự ti, một số khác có hành vi gây gổ, làm ngược lại yêu cầu của giáo viên; những em có khó khăn về đọc thường nhầm lẫn trong việc phân tích âm - vần, nhầm lẫn các chữ cái đối xứng nhau (chữ b, d hay p, q…), đọc sai dấu thanh, đọc thêm từ, có những em nhìn hình thì đọc chữ được còn che hình lại không đọc được…
Những em có khó khăn về viết thường viết chậm, chữ xấu, mắc nhiều lỗi chính tả, khả năng sử dụng từ ngữ, lập dàn bài kém. Những em có khó khăn về tính toán thường không thuộc các bảng cộng, bảng nhân, khả năng tính nhẩm kém, làm tính viết thường quên nhớ lẫn lộn…
Mặc dù hiện tượng HS bị khuyết tật học tập là một hiện tượng phổ biến trong tất cả các trường, mà biểu hiện rõ nhất là ở cấp tiểu học; song trên thực tế, khi được hỏi thì đa số giáo viên trả lời không biết hoặc không có hiểu biết chính xác về đối tượng HS bị khuyết tật học tập. Nhiều ý kiến cho rằng, HS khó khăn về tiếp thu kiến thức là do khuyết tật trí tuệ, do lười học, do gia đình không quan tâm... Từ đó đã đưa ra nhiều biện pháp giúp đỡ không phù hợp như trách phạt, giao bài tập quá sức, bắt các em học bài trong giờ giải lao... Những biện pháp đó, vô hình trung khiến HS đã khó khăn về học tập lại càng khó khăn hơn.
Mặt khác, do không xác định được đây là những HS bị khuyết tật học tập nên không có hồ sơ theo dõi riêng; công tác bàn giao giữa giáo viên năm trước và năm sau chưa quan tâm đến các trường hợp này; lâu dần những khó khăn về học tập của các em ngày càng trầm trọng và việc HS học hết tiểu học vẫn không biết đọc, biết viết là có khả năng xảy ra.
Vai trò quan trọng của giáo viên
Như vậy, nguyên nhân của khuyết tật học tập ở một bộ phận HS không phải là các yếu tố khuyết tật bẩm sinh hoặc môi trường GD không phù hợp, mà là do “bên trong” mỗi HS, có thể do sự khác biệt hoặc khiếm khuyết của hệ thần kinh Trung ương trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin trong quá trình học tập (nghe, nói, đọc, viết, tính toán) và HS khuyết tật học tập luôn chiếm một tỷ lệ nhất định trong các trường học.
Để khắc phục tình trạng này, không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà cần phải có những nghiên cứu khoa học chuyên sâu để đưa ra các giải pháp phù hợp với từng đối tượng HS. Trước mắt, trong giai đoạn này, khi mà đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa được tập huấn chuyên sâu về dạy học cho HS bị khuyết tật học tập, chúng ta cần quan tâm một số biện pháp sau:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và cộng đồng để mọi người hiểu rằng trong trường học lúc nào cũng có một bộ phận HS bị khuyết tật học tập luôn cần sự giúp đỡ, cảm thông, chia sẻ hơn là những quy định, nguyên tắc, là sự áp đặt, bắt buộc của người lớn.
Thứ hai, từng giáo viên, từng trường phải tiến hành sàng lọc để tìm ra những HS bị khuyết tật học tập và nắm rõ từng em mắc khó khăn đặc thù gì để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp.
Thứ ba, cần gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin với cha mẹ HS để phối hợp giúp các em vượt qua khó khăn.
Thứ tư, các trường, các cơ quan quản lý giáo dục cần nghiên cứu một cách nghiêm túc thực trạng này, đồng thời cần tổ chức các hội thảo, chuyên đề và tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu cho giáo viên về các kỹ năng dạy học trẻ khuyết tật học tập.
Đôi điều luận bàn mang tính chuyên môn. Mong rằng bài viết sẽ nhận được nhiều sự chia sẻ của quý đồng nghiệp.