Gây hứng thú học tập môn Sử

Gây hứng thú học tập môn Sử

Cô Hà cho biết, cô rất yêu lịch sử, thích tìm hiểu lịch sử và thấm thía những bài học kinh nghiệm lịch sử để lại. Cô tân trọng lịch sử, biết ơn và kính phục những vị anh hùng dân tộc, những vĩ nhân thế giới, và cô truyền tất cả tình yêu và niềm đam mê đó cho học sinh.

“Mỗi một giờ học, tôi luôn cố gắng tạo một điểm nhấn gây sự tò mò hứng thú cho học sinh;có thể là câu chuyện về một sự kiện, nhân vật lịch sử, câu đố vui về lịch sử… Để giờ học không trôi qua đơn điệu, giáo viên sử dụng đa dạng các kĩ thuật dạy học phù hợp với nội dung bài học để tạo hứng thú cho học sinh” – cô Hà trao đổi.

Theo cô Hà, học sinh sẽ tích cực, chủ động trong tìm hiểu lịch sử, khi không gian học tập không chỉ là ở lớp học mà có thể là ở Bảo tàng, ở di tích lịch sử, triển lãm… Từ đó nhận thức và tư duy lịch sử của các em sẽ được nâng cao và qua đó vận dụng những tri thức và bài học lịch sử vào cuộc sống.

Cô Hà cho biết, phương pháp hay kỹ thuật dạy học là công cụ để thực hiện mục đích, có thể phù hợp với người này, không phù hợp với người khác,… Vì thế, việc vận dụng kỹ thuật phải phù hợp với nội dung bài học, đối tượng học sinh và không gian học tập. Việc chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh phải cụ thể, rõ ràng, tránh hình thức.

Cô Mai Thị Hà
 Cô Mai Thị Hà

Cũng theo cô Hà, đánh giá kết quả học tập của học sinh là đánh giá qua các bài kiểm tra với các mức độ khác nhau. Còn đánh giá năng lực của học sinh chủ yếu thông qua đánh giá quá trình học tập của học sinh (quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, sản phẩm học tập, báo cáo, thảo luận…)

“Tại Trường THPT Yên Hòa công tác kiểm tra đánh giá học sinh đang được thực hiện khá bài bản và theo hướng đổi mới. Cụ thể: Các kỳ thi tập trung được thực hiện theo quy trình của Bộ GD&ĐT từ việc thành lập ban ra đề, ban phản biện đề, ban làm phách cho đến tổ nhập điểm đều được làm việc độc lập; đồng thời các quy định đối với giáo viên và học sinh được áp dụng theo Quy chế thi Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT” – cô Hà trao đổi, đồng thời cho biết:

Với các bài kiểm tra thường xuyên, giáo viên rất chú trọng đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua học sinh báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Cô Hà tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh dưới nhiều hình thức như: Hoạt động tập thể, câu lạc bộ… để phát hiện và phát huy năng lực của học sinh và cũng là định hướng nghề nghiệp cho các em. Ngoài ra tổ chức hoạt động có sự tham gia của tất cả học sinh, tránh tập trung vào một số em. Việc tổ chức hoạt động hiệu quả phải đi liền với tiêu chí đánh giá khoa học, chặt chẽ. Trong quá trình tổ chức, phải thường xuyên rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động. Song điều quan trọng nhất là giáo viên phải năng động, tích cực và không ngại khó …

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ