Gạt bỏ nếp nghĩ “thi gì học nấy” sẽ thúc đẩy giáo dục STEM

GD&TĐ - Nếp nghĩ "thi gì học nấy” trở thành một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường phổ thông vì các em học sinh phải dồn sức cho các bài thi chuyển cấp.

Gạt bỏ nếp nghĩ “thi gì học nấy” sẽ thúc đẩy giáo dục STEM

Ngày 25/5, Sở GD& ĐT Hà Nội tổ chức Hội thảo giáo dục STEM cho học sinh phổ thông. Dự hội thảo có lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các nhà khoa học, các thầy cô giáo đến từ các trường đại học, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố.

Mô hình giáo dục STEM là một hướng tiếp cận, xu hướng dạy học mới. STEM là từ viết tắt của: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán).

Giáo dục STEM trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực nói trên. Các kiến thức, kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép, bổ trợ nhau, giúp học sinh hiểu biết về nguyên lý và thực hành tạo ra sản phẩm.

Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội đồng Anh đã triển khai chương trình thí điểm giáo dục STEM cho một số trường trung học các tỉnh, thành phố. Hà Nội là một trong 5 tỉnh triển khai đầu tiên mô hình này.

Những năm học đầu tiên triển khai mô hình, vẫn còn nhiều cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu thấu đáo cũng như chưa định hướng phát triển có điểm đến của mô hình này. Điều này đã dẫn đến tình trạng lúng túng và thiếu tính bao quát trong phát triển ứng dụng mô hình STEM tại các trường.

Các chủ đề STEM chưa thay thế được các tiết học truyền thống, chưa chú trọng khâu “thiết kế”, nhiều dự án làm lại theo mẫu, theo quy trình có sẵn, thiếu tính sáng tạo. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá và tổ chức thi cũng chưa tương thích với những tư tưởng của giáo dục STEM.

Nếp nghĩ "thi gì học nấy” trở thành một trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường phổ thông. Ví dụ như Kỳ thi THPT quốc gia hay Kỳ thi vào lớp 10 được thi bằng các bài thi trắc nghiệm, trong khi STEM lại là sản phẩm. Do đó, các khối lớp 8 và 11 đã phải nói “không” với STEM để học sinh dồn sức ôn luyện thi trắc nghiệm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, trong đó tập trung chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn trong quá trình triển khai chương trình STEM. Nhiều trường học gặp khó khăn cho việc khai thác, áp dụng những điểm mạnh của giáo dục STEM, đặc biệt là các trường ở khu vực nông thôn còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: Những nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh cần hiểu cụ thể khái niệm STEM, cần nhận thức đầy đủ giáo dục STEM, đặc biệt là trong việc đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Tới đây, Hà Nội sẽ có 30 buổi tập huấn về STEM được tổ chức tại 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Sau đó, các cán bộ quản lý và cán bộ cốt cán này sẽ tập huấn lại cho đội ngũ giáo viên; đồng thời tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về những lợi ích của mô hình STEM.

Trong năm học 2018-2019, bên cạnh việc mở rộng tập huấn, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng “Nguồn học liệu mở” – thư viện câu hỏi, bài tập, đề thi, kế hoạch bài dạy, tài liệu tham khảo có chất lượng. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tích cực tham gia “Trường học kết nối” về xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp.

Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục áp dụng một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiến của giáo dục STEM, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn cho học sinh, hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ