Gấp rút lấp lỗ hổng kiến thức

GD&TĐ -  Để tổ chức tốt việc ôn thi THPT quốc gia, các Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường THPT thực hiện nhiệm vụ dạy học gắn với củng cố kiến thức cho học sinh.   

Giờ ôn cho học sinh lớp 12 Trường THPT Vũ Văn Hiếu, tỉnh Quảng Ninh	Ảnh: T.G
Giờ ôn cho học sinh lớp 12 Trường THPT Vũ Văn Hiếu, tỉnh Quảng Ninh Ảnh: T.G

Đặc vào thời điểm nước rút tháng 4 - 5, bên cạnh việc ôn luyện thi cho học sinh, nhiều thầy cô giáo còn đánh giá lại năng lực học tập của từng em, lấp lỗ hổng kiến thức để những học sinh này có thể đạt mức xét tốt nghiệp THPT. 

Nhà trường cùng nỗ lực

Quảng Ninh là tỉnh có địa hình địa lý và các yếu tố văn hóa - kinh tế - xã hội được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Các trường học cũng chịu ảnh hưởng của những yếu tố này.

Trường học vùng cao, vùng dân tộc, hải đảo do điều kiện dạy học cùng với yếu tố địa lý văn hóa không thuận lợi như các đô thị lớn nên chất lượng học sinh cũng như tâm lý của các em không khỏi ảnh hưởng tới kết quả học tập.

Hiểu rõ điều đó, Sở GD&ĐT luôn chỉ đạo và nhắc nhở các nhà trường thực hiện việc hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với khung thời gian năm học. Đặc biệt cuối năm học, vào dịp ôn thi THPT quốc gia, nghiêm cấm việc cắt xén, dồn nén chương trình, thực hiện đánh giá, xếp loại học kỳ và cả năm học theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

NGƯT Ngô Văn Hợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Ở những trường học miền núi, vùng dân tộc, chúng tôi yêu cầu các nhà trường phải có kế hoạch tổ chức rà soát chất lượng của học sinh lớp 12 để phân loại học sinh theo trình độ nhận thức, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập, ôn thi phù hợp với thực tiễn.

Kế hoạch của nhà trường cần đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng các buổi dạy ôn luyện cho học sinh. Đặc biệt, sau mỗi giai đoạn hoặc chuyên đề, cần kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh.

Hoạt động này đã và đang được thực hiện tốt ở các trường học vùng khó ở Quảng Ninh. Tại đợt khảo sát đánh giá năng lực học tập của học sinh lớp 12 mới đây, từ việc ra đề kiểm tra, chấm, chữa bài cho học sinh khách quan, chính xác nhất, nhằm đánh giá đúng sự tiến bộ của học sinh.

Theo ý kiến của nhiều nhà trường, đợt thi khảo sát vừa qua đã giúp ban giám hiệu đánh giá năng lực học tập của từng học sinh để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cũng như tháo gỡ vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng dựa vào kết quả đó để yêu cầu các tổ/nhóm chuyên môn, lên kế hoạch và giáo án ôn tập, ôn thi của giáo viên sát với tình hình thực tế, việc sắp xếp thời khóa biểu bảo đảm hợp lý, không gây quá tải đối với học sinh.

Thầy cô vào cuộc

Chúng tôi khuyến khích việc trao đổi hỗ trợ giữa các cụm trường về công tác ôn thi THPT quốc gia cho học sinh. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường phải định kỳ tổ chức lấy ý kiến của học sinh về giáo viên trực tiếp giảng dạy, về nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp ôn tập... để kịp thời có các điều chỉnh cần thiết, bảo đảm hiệu quả ôn tập. Các nhà trường cần căn cứ vào điều kiện thực tế, có thể tổ chức ôn tập cho những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn thi THPT quốc gia, với quan điểm phụ đạo đầy đủ các môn học sinh đăng ký thi, chú trọng việc lấp chỗ trống để học sinh có đủ kiến thức, làm bài đạt kết quả tốt nhất có thể. 
NGƯT Ngô Văn Hợi

Thầy giáo Hà Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Văn Hiếu (Hạ Long, Quảng Ninh), cho biết: Nằm ở ven thành phố Hạ Long, đặc điểm dân cư nơi đây phần lớn học sinh là con em người lao động phổ thông, thợ mỏ, điều kiện kinh tế không được như các khu vực khác của thành phố.

Thêm nữa, nhiều học sinh cũng không có nguyện vọng học đại học mà chủ yếu chỉ là tốt nghiệp THPT rồi kiếm việc làm hoặc học nghề.

Tuy nhiên nhà trường vẫn yêu cầu các tổ bộ môn và giáo viên phải nắm vững tâm tư nguyện vọng học tập của các em. Em nào có mong muốn học lên đại học, đi học nghề hay chỉ cần tốt nghiệp, đều phải có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức để các em có thể làm bài tốt nhất.

Tại cuộc họp để thực hiện kế hoạch ôn luyện cho học sinh của Tổ Toán của Trường THPT Vũ Văn Hiếu, các cô Đào Thu Hiền, Đỗ Ngọc Bích, Vũ Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Thu Hương đều là những giáo viên dạy giỏi cốt cán, cho ý kiến: “Căn cứ vào kế hoạch của nhà trường, đối tượng học sinh, định dạng đề kiểm tra, đề thi, giáo viên phải xây dựng kế hoạch ôn luyện của tổ/nhóm và từng cá nhân. Kế hoạch cần xác định rõ đối tượng, thời gian ôn tập, mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt, chương trình, nội dung chi tiết (bao gồm thời lượng, kiến thức, kĩ năng, tài liệu), phương pháp ôn luyện để trình lãnh đạo nhà trường phê duyệt.

Tuân thủ đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Trong quá trình ôn luyện, tổ/nhóm và giáo viên có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ