Gấp rút bồi dưỡng chuyên môn trước khai giảng

GD&TĐ - Chuẩn bị năm học mới tại các trường không dừng lại ở đảm bảo cơ sở vật chất, vận động học sinh ra lớp…, mà chuyên môn đội ngũ giáo viên cũng được coi trọng. Đặc biệt trong bối cảnh trường phổ thông triển khai Chương trình GDPT 2018 thì yếu tố chuyên môn quyết định lớn tới chất lượng giáo dục nhà trường.

Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đón học sinh lớp 6. Ảnh: NTCC
Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đón học sinh lớp 6. Ảnh: NTCC

Sẵn sàng tâm thế cho giáo viên

Cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng), trao đổi: Ngay sau khi giáo viên trở lại trường (đầu tháng 8), hoạt động bồi dưỡng chuyên môn được tập trung tối đa.

“Trong tháng 8, toàn trường tập trung vào bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn; đảm bảo xây dựng xong kế hoạch bài học theo thực tế trường lớp, khung chương trình; Đặc biệt giáo viên lớp 3 được dạy học thực nghiệm một số nội dung, chuyên đề, dạng bài trong chương trình để đảm bảo vững vàng nhất về chuyên môn, sau đó rút kinh nghiệm, bổ sung thiếu sót trước khi bước vào giảng dạy…”, cô Phượng cho biết.

Ngoài tham dự tập huấn, bồi dưỡng do sở, phòng tổ chức, trường còn yêu cầu các tổ bộ môn tập trung bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên. Qua đó, giáo viên được thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cùng xây dựng bài giảng từng dạng bài, phân môn; thống nhất nội dung phương pháp giảng dạy; rà soát nội dung dạy học…

Năm học 2022 - 2023, tuy giáo viên THCS không còn bỡ ngỡ vì có 1 năm làm quen khi triển khai với lớp 6, song không vì thế mà ban giám hiệu, giáo viên Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chủ quan với công tác bồi dưỡng, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cho đội ngũ giáo viên.

Theo cô Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng nhà trường, bước vào hè, giáo viên giảng dạy lớp 7 tham gia liên tiếp các lớp tập huấn trực tuyến, trực tiếp về Chương trình, sách giáo khoa mới; phương pháp giảng dạy, xây dựng kế hoạch bài giảng… do sở, phòng, trường tổ chức.

Đặc biệt năm nay, dịch bệnh tạm ổn định nên giáo viên dạy lớp 7 sau bồi dưỡng, tập huấn, nghiên cứu sách giáo khoa mới… có điều kiện dạy học thực nghiệm tại trường nhiều hơn. Trên cơ sở đó, ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên cùng dự giờ, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả bài giảng.

Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang), với đặc thù trường vùng khó, đội ngũ giáo viên còn những hạn chế nhất định cả về số lượng và chuyên môn. Do đó, bước vào năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT 2018, ban giám hiệu xác định lấy bồi dưỡng chuyên môn làm điểm tựa nâng cao chất lượng dạy học cho giáo viên toàn trường.

Thầy Hiệu trưởng Bùi Quang Hòa thông tin: Trên cơ sở các thông tư, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ban hành, nhà trường đã tập trung xây dựng xong kế hoạch năm học phù hợp với điều kiện thực tế. Công tác bồi dưỡng, chuyên môn, chính trị cho đội ngũ giáo viên được quan tâm sát sao. Do đó, các thầy cô tự tin, phấn khởi bước vào năm học mới.

Cũng theo kế hoạch, từ 25/8 đến sát khai giảng, các tổ chuyên môn, giáo viên tiếp tục rà soát lại kế hoạch bài giảng, tăng cường tiếng Việt cho học sinh, chia sẻ chuyên môn để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp. Không những thế, trường còn đẩy mạnh dạy thực nghiệm đối với một số tiết, môn học lớp 3 để tổ bộ môn, ban giám hiệu, giáo viên cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, năm học này cán bộ, giáo viên nhà trường quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học.

Thầy Bùi Bằng Đoàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình), cũng vui mừng trao đổi: Chuẩn bị chuyên môn để bước vào năm học mới diễn ra suôn sẻ, hiệu quả. Giáo viên toàn trường được tham gia tập huấn chuyên môn do sở GD&ĐT tổ chức với nội dung xây dựng kế hoạch, thực hiện Chương trình GDPT 2018. Về phía nhà trường, tổ chức tập huấn trong 2 ngày các nội dung trên để dặm lại kỹ lưỡng.

Các nhà trường nỗ lực đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên Tiếng Anh để triển khai CT GDPT 2018(trong ảnh: GV Trường THCS Hợp Tiến, Nam Sách, Hải Dương). Ảnh: Đức Trí

Các nhà trường nỗ lực đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên Tiếng Anh để triển khai CT GDPT 2018(trong ảnh: GV Trường THCS Hợp Tiến, Nam Sách, Hải Dương). Ảnh: Đức Trí

Chủ động “gỡ” khó

Một trong những khó khăn mà Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn đối diện khi bước vào năm học mới đó là Tiếng Anh, Tin học trở thành môn bắt buộc nhưng 2 giáo viên dạy bộ môn đều trong thời gian nghỉ thai sản. Hợp đồng giáo viên thay thế vô cùng “nan giải” bởi nguồn tuyển tại địa phương không có; chế độ để thu hút giáo viên cũng không.

Với thực tế này, ban giám hiệu chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục, tạm “gác” 2 môn học này sang học kỳ II khi giáo viên đi làm trở lại. Đối với môn Tin học, để đảm bảo học sinh không học “chay”, được áp dụng lý thuyết trên máy móc… trường đã kết nối để học chung phòng máy với THCS cùng địa bàn. Tuy nhiên với môn Ngoại ngữ, thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng, cho biết, vẫn phải dạy học tại phòng học bình thường trong khi đợi đầu tư cơ sở vật chất.

Với Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình), thầy Phó Hiệu trưởng lại cho biết khó khăn chính nằm ở triển khai môn Thể dục. Theo quy định, tổ chức thực hiện theo hướng câu lạc bộ nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn quy đổi định mức giáo viên thể dục sang chủ nhiệm câu lạc bộ.

Để chủ động dạy học khi năm học mới cận kề, một mặt trường báo cáo khó khăn lên sở để có sự chỉ đạo, tháo gỡ, định hướng thực hiện. Mặt khác tạm tháo gỡ bằng cách cho đăng ký mỗi câu lạc bộ tối đa 45 học sinh. Như vậy, khi dạy học có thể quy mỗi câu lạc bộ 45 học sinh tương đương 1 lớp; mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ tương đương 2 tiết.

Việc tháo gỡ tạm thời này sẽ giúp việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, bố trí giáo viên, chuẩn bị chuyên môn chủ động hơn cho tới khi có hướng dẫn cụ thể và điều chỉnh theo hướng dẫn.

Đối với không ít trường THCS, nâng cao chất lượng dạy học tích hợp liên môn vẫn là “bài toán” khó. Sau 1 năm triển khai, các trường tự nhìn thấy điểm yếu, tìm phương hướng để nâng cao chuyên môn cho giáo viên. Giải pháp chung vẫn là thúc đẩy, khuyến khích đội ngũ tự bồi dưỡng, tăng cường trao đổi chuyên môn. Các trường cùng địa bàn hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy; tăng cường mời chuyên gia, giáo viên cốt cán bồi dưỡng chuyên môn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ