Tập huấn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến: Chuyên môn song hành với kĩ năng công nghệ thông tin

GD&TĐ - Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT triển khai tập huấn tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên (GV) trên quy mô toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khai mạc tập huấn tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khai mạc tập huấn tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên.

Đánh giá của nhiều thầy cô, đợt tập huấn không chỉ giải đáp được thắc mắc, làm rõ nhiều khó khăn, vướng mắc của GV; mà còn tạo động lực, truyền cảm hứng cho thầy cô triển khai dạy học trực tuyến.

Hiệu quả tích cực

Nhận định của thầy Lê Quốc Sang, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Chu Văn An (An Giang), đợt tập huấn rất cần thiết, mang lại hiệu quả tích cực, giúp GV thực hiện các tiết dạy trực tuyến hiệu quả, khắc phục bất cập gặp phải trong quá trình dạy học. Qua tập huấn, GV nắm được một số vấn đề chung về dạy học trực tuyến, biết cách tổ chức một bài dạy trực tuyến hoàn chỉnh.

“Tôi tâm đắc nhất là bước chuyển giao nhiệm vụ trong cách tổ chức dạy học mà báo cáo viên truyền đạt. Lâu nay, GV dạy học trực tuyến thường hay truyền tải cho học sinh (HS) lượng kiến thức lớn, thời lượng như dạy trực tiếp, gây quá tải. Các em không đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, chưa kể HS ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, điện thoại.

Đặc biệt, HS nông thôn như Trường THPT Chu Văn An còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện để mua trang thiết bị học tập. Do đó, chuyển giao nhiệm vụ phải tùy vào trình độ, điều kiện hoàn cảnh HS mà lựa chọn cho phù hợp. Trường có điều kiện thì chọn dạy học qua hệ thống LMS, Microsoft office 365, K12 Online… Trường không có điều kiện có thể dạy học qua Google Meet, Zalo, Zoom… miễn sao HS đều được tham gia học trực tuyến, đừng để em nào bị bỏ lại phía sau” - thầy Lê Quốc Sang chia sẻ.

Đánh giá cao hiệu quả tập huấn, thầy Trang Minh Thiên, Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, TP Cần Thơ chia sẻ 4 nội dung quan trọng mình thu nhận được. Đó là cách xây dựng kế hoạch bài dạy trực tuyến nhẹ nhàng nhưng bảo đảm đầy đủ các yêu cầu nội dung theo quy định. GV nắm rõ hơn về quy trình dạy học, kiểm tra đánh giá HS khi dạy học trực tuyến. GV biết thêm được công cụ hỗ trợ “lớp học trên mây” như: Kahoot, Quizzi, Google Classroom… Giảm áp lực cho HS trong khi phải học trực tuyến nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu bài học, dạy học; tăng cường tương tác trong thời gian online của HS.

Cô Trần Huỳnh Nhị, GV Trường THPT Hòa Ninh, Vĩnh Long, cũng thu nhận được nhiều nội dung bổ ích sau đợt tập huấn. Trong đó có việc lựa chọn nội dung có thể thay thế giảng trực tiếp bằng một học liệu điện tử (hình ảnh/ âm thanh/ video); lựa chọn phương án, phương tiện để kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, quá trình học tập và biện pháp phối hợp với gia đình...

GV tham gia tập huấn được hướng dẫn thiết kế Kế hoạch bài dạy trực tuyến theo môn học. Tài liệu tập huấn cũng có những video được xây dựng công phu, giúp GV cách tổ chức cho HS thực hiện một hoạt động học, chuyển giao nhiệm vụ học tập cho HS; theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá trong quá trình HS thực hiện nhiệm vụ học tập; tổ chức cho HS báo cáo, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập; kết luận, nhận định về kết quả thực hiện nhiệm vụ của HS…

Tập huấn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến: Chuyên môn song hành với kĩ năng công nghệ thông tin ảnh 1

Phát huy hiệu quả sau tập huấn

Là báo cáo viên trong đợt tập huấn, TS Nguyễn Hùng Chính, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: Đợt tập huấn của Bộ GD&ĐT rất kịp thời, vì với dạy học trực tuyến chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc “duy trì” quá trình dạy học mà cần bảo đảm hiệu quả, chất lượng; cùng với đó phải bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần của HS khi học trực tuyến trong thời gian dài. Mục tiêu của đợt tập huấn cho thấy Bộ GD&ĐT đã có tính toán kĩ đến những vấn đề này.

Theo TS Nguyễn Hùng Chính, nội dung tập huấn không chỉ tập trung vào hướng dẫn kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), mà Bộ GD&ĐT đặt trọng tâm là những vấn đề chuyên môn sâu, như việc sử dụng những kĩ năng đó như thế nào vào từng nội dung bài học cụ thể, tổ chức từng hoạt động học, thiết kế từng nội dung giao nhiệm vụ cho HS (tức là về phương pháp dạy học). Do đó, học viên cần lưu ý về chuyên môn sâu, xây dựng kế hoạch bài dạy, thiết kế từng hoạt động, chứ không chỉ là vấn đề kĩ năng CNTT.

GV tham gia tập huấn được báo cáo viên phân tích cụ thể cách xác định nội dung mà HS có thể tự thực hiện được trong từng bài học; thực hành thiết kế và giao nhiệm vụ cho HS trước khi kết nối trực tuyến thời gian thực. Từ đó, GV tiến hành xây dựng được kế hoạch bài dạy trực tiếp, trực tuyến tương ứng theo hướng vừa bảo đảm chất lượng, giảm thời gian HS phải ngồi trước màn hình máy tính, nhằm giảm áp lực, hạn chế tối đa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe HS.

Hơn nữa, những kĩ năng GV đã có sẽ được huy động để sử dụng hiệu quả hơn vào việc tạo ra học liệu số như video/audio… dùng cho bước giao nhiệm vụ, giảng lí thuyết, luyện tập, chữa bài tập... Đây là những nội dung thiết thực, cụ thể mà GV có thể tiếp tục vận dụng sau đợt tập huấn. Qua đó, từng GV tự tạo ra “kho học liệu” của riêng mình theo thời gian. Nhà trường gộp lại sẽ thành “thư viện học liệu” của trường, giúp HS truy cập để đọc, xem GV giảng một cách chủ động về thời gian, phù hợp với thời gian biểu của mình.

Chia sẻ kinh nghiệm để phát huy tốt nhất những nội dung đã được tập huấn, thầy Lê Quốc Sang cho rằng: GV phải biết cách tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến và tự mình thiết kế được một bài dạy cụ thể; trong đó quan tâm đến học liệu và phương án kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Sở GD&ĐT cần triển khai nhanh đến từng GV để có cách nhìn tổng quan về dạy học trực tuyến, biết cách tổ chức dạy học trực tuyến khoa học, hiệu quả; yêu cầu thiết kế nội dung dạy học trực tuyến cô đọng, tinh gọn, tập trung giảng dạy kiến thức cơ bản để việc học không dàn trải, không gây quá tải cho HS.

Theo thầy Trang Minh Thiên, sau tập huấn GV cần chủ động hơn trong tiếp cận những nội dung, xu hướng đổi mới của ngành, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong dạy học. GV cần học tập thêm những công cụ hỗ trợ, đa dạng hình thức tổ chức hoạt động dạy học để gia tăng tương tác, giúp HS hứng thú hơn trong giờ học. Đổi mới, đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá; hướng đến đánh giá đa chiều, coi trọng quá trình hơn là kết quả cuối cùng, ghi nhận những cố gắng dù là nhỏ nhất của HS trong suốt quá trình học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.