1. Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” được đầu tư sản xuất vào năm 2016, sau 3 năm nguyên gốc “Gia tộc họ Hwang” tạo được cơn sốt mạnh mẽ tại xứ sở kim chi. Làm lại từ sản phẩm chất lượng đã được kiểm chứng của Hàn Quốc, bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” tin tưởng sẽ là bản remake ăn khách. Tuy nhiên, đề tài càng quen thuộc càng khó dàn dựng.
Đã có không ít nguyên gốc cực kỳ ấn tượng nhưng khi được photocopy tại nước ta thì chỉ dừng ở mức tàm tạm mà ví dụ sinh động nhất là bộ phim “Gia đình là số 1”. Vì vậy, khi trình chiếu những tập đầu tiên, bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” vẫn là ẩn số đầy hồi hộp đối với êkip thực hiện lẫn người quan tâm.
Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” dài 80 tập, xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Vương bà Mai. Biên kịch Hoàng Anh từng Việt hoá bộ phim “Dù gió có thổi” khá thành công nên “Gạo nếp gạo tẻ” mang lại nhiều hy vọng khi cô cùng đồng nghiệp nữ Thạch Thảo bắt tay làm đạo diễn.
Hai người phụ nữ trẻ có tư duy hiện thực nhạy bén đã truyền tải được không ít hơi thở đô thị choáng ngợp qua những thước phim hoán cải mùi vị kim chi thành mùi vị mắm tôm. Xem bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” khó nhận ra nguyên gốc xô lệch về thẩm mỹ và nhận thức, bởi lẽ sinh hoạt gia đình các nước Á Đông khá giống nhau.
2. Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” quy tụ hầu hết những diễn viên nổi tiếng của Sài Gòn, từ lão luyện như Hồng Vân đến lở cỡ như Trung Dũng và cả thanh xuân mơn mởn như Thuý Ngân. Tuy nhiên, lực lượng diễn viên có vẻ ăn khách ấy vẫn không đủ để những người bỏ vốn làm phim “Gạo nếp gạo tẻ” tuyệt đối tin tưởng vào chân lý “hữu xạ tự nhiên hương”.
Một chiến dịch quảng bá rầm rộ được triển khai để hỗ trợ cho hành trình chinh phục công chúng của bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ”. Ngoài ca khúc “Ký ức đánh rơi” do nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ sáng tác làm nhạc nền cho bộ phim được tung lên mạng với chia sẻ úp mở rằng người hát – Trung Kiên chính là chồng trẻ của nữ diễn viên Lê Phương đóng vai Hương trong “Gạo nếp gạo tẻ”, nhiều diễn viên trong đoàn làm phim còn đi phát tờ rơi ở những nơi công cộng để mời khán giả xem phim. Với định hướng “Gạo nếp gạo tẻ” sẽ khiến các bà nội trợ say mê, các tờ rơi được diễn viên trong phim dúi vào tay từng người ra vào những siêu thị và các ngôi chợ quen thuộc ở Sài Gòn.
Thực sự bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” có phải chỉ dành cho các bà nội trợ không? Thì dĩ nhiên, phim truyền hình Việt Nam vốn nhắm đến đối tượng vừa nấu cơm vừa xem phim hoặc vừa bóc lạc vừa xem phim. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình ông Vương bà Mai trong phim cũng đáng để giới trẻ bây giờ nhìn nhận và thấu hiểu. Ông Vương bà Mai làm nghề giáo, có cả thảy bốn người con, ba gái một trai. Cô gái đầu Hương lầm lũi và lương thiện. Cô gái thứ Hân nhan sắc lọt vào top 10 Hoa hậu và lấy được ông chồng giàu sang. Cô gái út bỏ ngành y để nuôi mộng viết lách. Còn con trai không có gì nổi bật nhưng vẫn là cục cưng.
Mấu chốt của quan hệ gia đình là cách bà Mai bên trọng bên khinh với Hương và Hân. Con gái đầu Hương không làm bà Mai nở mày nở mặt, còn con gái thứ Hân chính là niềm tự hào của bà Mai. Danh tiếng và tiền bạc của Hân trưng trổ chính là cơ sở quyết định mọi ánh mắt trìu mến của bà Mai. Có nghịch lý không? Không! Có chua chát không?
Có! Đó là thực tế của không ít gia đình Việt Nam. Ai sinh con ra và nuôi con trưởng thành mà chẳng muốn con thành đạt để mình cũng vẻ vang. Tâm lý của bà Mai không khó hiểu. Cái tạo ra trớ trêu lại nằm ở hai thái độ của Hương và Hân. Sự cam chịu của Hương và sự hiếu thắng của Hân là hai ví dụ sinh động cho xã hội thời ganh đua danh lợi. Dường như, vật chất đang che dần tâm hồn và tình cảm của mỗi con người. Ai cũng hướng đến tiền bạc, khoái trá với tiền bạc mà quên đi những ràng buộc ruột thịt xung quanh.