Gắn nâng cao chất lượng giáo dục với trách nhiệm người đứng đầu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Các nhà trường, địa phương đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu năm học.

Thầy trò Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong buổi học ngày 8/9.
Thầy trò Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong buổi học ngày 8/9.

Chủ đề năm học 2022 - 2023 được xác định là: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Để thực hiện điều này, các nhà trường, địa phương đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu năm học.

Phù hợp thực tiễn

Chuyển từ “duy trì mục tiêu chất lượng” trong năm học 2021 - 2022 sang “củng cố, nâng cao chất lượng” trong năm học 2022 - 2023, theo ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - là phù hợp. Bởi năm học trước, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục phải áp dụng nhiều biện pháp tổ chức, trong đó có dạy học trực tuyến.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của cả thầy và trò… phần nào tác động đến chất lượng giáo dục. Do đó, năm học này, các nhà trường cần củng cố lại nội dung cơ bản, cốt lõi, giúp học sinh học tốt hơn kiến thức mới. Ngoài ra, cần bổ sung các hoạt động giáo dục để nâng cao phẩm chất, năng lực cho học sinh mà năm trước do dịch bệnh không tổ chức được.

“Để thực hiện thành công chủ đề năm học, ngành Giáo dục Phú Thọ xác định một số nhiệm vụ cơ bản, cốt lõi. Trong đó có việc chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương. Cùng với đó, tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tuyên truyền quán triệt, khích lệ tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ - đây có thể nói là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.

Phú Thọ cũng sẽ có giải pháp đồng bộ và quyết liệt, sâu sát hơn nữa trong chỉ đạo, quản lý, điều hành nhằm giữ vững chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn các cấp học; quyết tâm duy trì chất lượng cấp THPT, trong đó có Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục, đặc biệt việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các lực lượng xã hội trong triển khai thực hiện…” - ông Phùng Quốc Lập chia sẻ.

Bày tỏ đồng tình với chủ đề năm học 2022 - 2023, thầy Võ Ngọc Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cho rằng: Năm học mới, bối cảnh thay đổi, dịch bệnh được kiểm soát, nhà trường sẽ củng cố, nâng cao chất lượng, đặc biệt là đào tạo mũi nhọn.

Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó quan tâm hàng đầu đến tăng cường nền nếp, kỷ cương, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Đổi mới tư duy và cơ chế quản lý; Chủ động đi trước, đón đầu, cập nhật kiến thức mới về lý luận, nghiệp vụ quản lý. Xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng, trách nhiệm, yêu nghề; khắc phục những bất hợp lý về số lượng và cơ cấu đội ngũ.

Nhà trường cũng phấn đấu triển khai thành công Chương trình GDPT 2018. Tăng cường cơ sở vật chất, tài liệu, học liệu, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học, thư viện trường học.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Không nể nang né tránh khi đánh giá

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Quảng Trị quyết tâm triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Lê Văn Tính, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Quảng Trị, cho biết: Sở/phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo cơ sở giáo dục tập trung mọi giải pháp để nâng cao chất lượng.

Gắn chất lượng giáo dục của từng cơ sở với trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở giáo dục; gắn chất lượng của từng môn học, lớp học với trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên đứng lớp trên tinh thần dân chủ, công khai, đúng người đúng việc, rõ trách nhiệm, không nể nang né tránh.

“Ngành GD Quảng Trị tập trung giải quyết vấn đề quan trọng hiện nay là chất lượng đại trà các môn học như Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và môn học khác. Đối tượng ưu tiên là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi và học sinh có học lực trung bình, dưới trung bình” - ông Lê Văn Tính nhấn mạnh và cho biết thêm:

Tất cả đơn vị phải xây dựng kế hoạch, triển khai dạy phụ đạo bổ khuyết cho học sinh khối lớp hụt kiến thức của năm học trước, trong đó ưu tiên môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, chú trọng học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng khó, học sinh có học lực trung bình, dưới trung bình một cách phù hợp, tránh nặng nề về thời gian, kiến thức, tạo tâm lý không tốt cho các em.

Sở/phòng GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí để đánh giá các cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục. Cùng với đó là đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng cụ thể, thiết thực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy ý thức tự học của học sinh; quan tâm đúng mức đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, năng khiếu; quan tâm công tác ôn tập tốt nghiệp cho lớp cuối cấp.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong đợt kiểm tra, nhà trường áp dụng nghiêm túc quy chế (như đổi chéo khối coi và chấm); kết quả kiểm tra thể hiện đúng khả năng học tập của học sinh. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tinh giản, số hóa hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử đồng bộ cho học sinh để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục” - thầy Võ Ngọc Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ