Trách nhiệm của người đứng đầu

GD&TĐ - Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây trên báo Vietnamnet, liên quan đến việc thực hiện Chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phân tích: Tạo cảm hứng được cho hiệu trưởng thì thành công một nửa; những vấn đề như quá tải sổ sách cho giáo viên, với hiệu trưởng giỏi sẽ có cách xử lý tốt. Chúng tôi xác định tổ chức bồi dưỡng để hiệu trưởng “ngấm” được đổi mới. Cứ ở đâu có hiệu trưởng giỏi thì có trường học tốt.

Đường rừng núi cheo leo không thể dùng xe máy, các giáo viên Trường Tiểu học Hồng Thu, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) phải cõng bàn ghế cho HS từ trường chính về điểm trường
Đường rừng núi cheo leo không thể dùng xe máy, các giáo viên Trường Tiểu học Hồng Thu, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) phải cõng bàn ghế cho HS từ trường chính về điểm trường

Theo Bộ trưởng, đến bây giờ, khi đã có chương trình rồi, chúng ta cần tiếp cận theo hướng “phát triển chương trình”. Đổi mới này phải đồng bộ; mỗi bước đổi mới chương trình là một bước đổi mới giáo viên, cơ sở vật chất… Nếu đổi mới mà chỉ chăm chăm bồi dưỡng giáo viên, trong khi hiệu trưởng vẫn bình chân như vại là “thua”. Quá trình này thành bại hay không, có vai trò rất lớn của hiệu trưởng…

Có thể thấy, khi áp dụng Chương trình, SGK mới, quản lý hoạt động dạy học giữ vị trí quan trọng trong công tác quản lý nhà trường và là nhiệm vụ trọng tâm của người hiệu trưởng. Trong bất cứ lĩnh vực nào, đi một con đường mới, một phương pháp mới, có thể có những khó khăn, vướng mắc lúc đầu, nhưng chính những thuyền trưởng dẫn dắt sẽ là người thấu hiểu sự thay đổi lớn lao, truyền cảm hứng cho những người xung quanh thực hiện.

Trong mỗi nhà trường, hiệu trưởng chính là người thuyền trưởng và là nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ để truyền cảm hứng, giúp các giáo viên, HS trong trường khám phá, cảm nhận được những khía cạnh khác nhau của chương trình học; đồng thời là người hỗ trợ các giáo viên triển khai đổi mới…

Các chuyên gia GD cho rằng, muốn đổi mới GD, đổi mới nhà trường, trước tiên, hiệu trưởng phải đổi mới bản thân. Đây là việc không hề dễ dàng bởi nề nếp, hệ thống quản lý và ngay cả con người chưa kịp cập nhật, vẫn đang theo thói quen cũ. Trong khoa học quản lý GD có lý thuyết về quản lý sự thay đổi, mỗi hiệu trưởng cần nắm rõ để vận dụng trong thực tế, bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên về Chương trình GDPT mới, chuẩn bị tốt tâm thế và các điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện đổi mới trong dạy học; xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện thay đổi, củng cố sự thay đổi…

Đổi mới bản thân, nắm rõ về chuyên môn nghiệp vụ, vận dụng nhuần nhuyễn lý thuyết trong quản lý sự thay đổi, có lẽ mới là điều kiện cần của một hiệu trưởng khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ hoàn cảnh nào với một hiệu trưởng tốt chính là sự TÂM HUYẾT, yêu nghề, là tình cảm chia sẻ, gắn bó với đồng nghiệp, tất cả vì học sinh thân yêu. Như nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Chỉ có tình yêu thương, thầy cô mới gần được trẻ con, không khiến mình xa vời vợi với học trò”.

Trong chương trình Thay lời tri ân 2017, câu chuyện của cậu học trò tí hon K’Rể và thầy giáo Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (Quảng Ngãi) khiến bao người rơi nước mắt. Thương cậu bé “nhỏ nhất Việt Nam” mắc hội chứng người lùn đầu chim (7 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng hơn 3kg) phải sống cách biệt với thế giới bên ngoài, thầy Đặng Văn Cương đã vận động cha mẹ cho Đinh Văn K’Rể được đến trường học nội trú. Thầy hiệu trưởng đã nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc và yêu thương em như con ruột của mình.

Với chương trình Thay lời tri ân 2018, không thể quên được hình ảnh của thầy giáo Nguyễn Quang Diện, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cùng các đồng nghiệp vượt qua chặng đường núi cao hiểm trở 17km đầy khó khăn do hậu quả của mưa lũ, sạt lở… gùi hơn 2 tấn lương thực, thực phẩm, vào trường, chuẩn bị cho các em ăn ở bán trú tại trường. Trên những con đường hiểm trở, nguy hiểm đến tính mạng, họ chỉ nghĩ làm thế nào để học sinh có cơm ăn, áo mặc trong năm học mới.

Câu chuyện của những hiệu trưởng như thầy giáo Nguyễn Quang Diện, Đặng Văn Cương cùng bao “thuyền trưởng” các nhà trường trên cả nước cho thấy, rất nhiều tấm gương thầy cô giáo âm thầm cống hiến với khát vọng cháy bỏng làm thế nào để dạy tốt, học tốt, làm thế nào để các em học sinh dù khó khăn đến đâu cũng được đến trường, làm thế nào để đạt được hiệu quả dạy chữ, dạy người tốt nhất…

Những khát vọng cống hiến đó đã tạo nên những câu chuyện cổ tích, những thành tích giáo dục trong nhiều năm qua, củng cố niềm tin thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới GD trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.