Ông Farhan Haq dẫn lời đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về giáo dục toàn cầu Gordon Brown cho biết: Thảm kịch tại Nepal là điển hình cho nhu cầu cấp thiết để xử lý các vấn đề giáo dục trong các tình huống khẩn cấp.
Đây cũng là minh chứng cho sự cần thiết về một quỹ nhân đạo toàn cầu để cấp ngân sách cho các hoạt động có liên quan nhằm thực hiện hỗ trợ tức thì.
Theo một báo cáo của Bộ Giáo dục Nepal, 12.550 phòng học và 1.016 hệ thống cung cấp nước sạch cho các khu vực có trường học tại nước này đã bị phá hủy hoàn toàn. Hơn 4.070 phòng học bị nứt gãy nghiêm trọng và 6.889 phòng học bị hư hại nhẹ.
Chính phủ Nepal đã trì hoãn thời điểm mở cửa trở lại các trường học tại các khu vực bị ảnh hưởng tới ngày 29-5, muộn hơn 15 ngày so với thời điểm dự kiến trước đó, tuy nhiên các trường học gần như không thể mở cửa đúng thời gian quy định do cơ sở vật chất bị phá hủy và thiếu không gian cho các cơ sở giảng dạy tạm thời.
Trước đó, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Nepal, Tomoo Hozumi, cho rằng, các trường học tại Nepal nên được mở cửa trở lại đúng thời điểm để giảm xuống mức thấp nhất sự gián đoạn hoạt động học tập của các trẻ em cũng nguy cơ bạo lực và buôn người mà nhóm đối tượng này có thể gặp phải.