Rõ vai trò, nhiệm vụ
Để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ngày 22/11/2011 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT trong đó có nhiều nội dung mới, hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn so với Điều lệ ban hành năm 2008.
Đây là căn cứ có tính pháp lý cao giúp các nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh xây dựng và củng cố hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) hiện nay.
Tuy nhiên, trong thực tế đâu đó vẫn còn để xảy ra những vụ việc lùm xùm, đáng tiếc, gây dư luận bất bình trong xã hội liên quan đến hoạt động của tổ chức này. Điều này dẫn đến từng có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nên chỉ đạo hủy bỏ việc thành lập Ban đại diện CMHS trong các nhà trường phổ thông.
Cô Lê Thị Mai Hương - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường TH,THCS,THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gần đây có rất nhiều ý kiến xoay quanh vai trò và trách nhiệm của Ban đại diện CMHS. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của Ban đại diện CMHS là vô cùng quan trọng. Trong đó, Điều 4 Điều lệ Ban đại diện CMHS đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS.
Cô Lê Thị Mai Hương nhấn mạnh, quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người đều chịu ảnh hưởng của ba môi trường giáo dục chính (nhà trường, gia đình và xã hội). "Nói vậy để thấy rằng vai trò của gia đình, của các bậc phụ huynh đối với quá trình hình thành nhân cách của mỗi học sinh là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là sự phối hợp với nhà trường để chung tay giáo dục và hình thành nhân cách cho trẻ. Và nhịp cầu gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường chính là Ban Đại diện CMHS của nhà trường...", cô Mai Hương chia sẻ.
Phụ huynh học sinh luôn đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động ngoại khóa, rèn kỹ năng cho học sinh. |
Theo cô Mai Hương, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện CMHS, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường quán triệt nội dung của điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh tới 100% cán bộ giáo viên, nhân viên.
Đặc biệt với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm để nắm chắc tinh thần và có sự phối hợp với Ban đại diện CMHS của lớp. "Toàn văn Điều lệ cũng được gửi tới Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp sau khi được kiện toàn để có cơ sở tổ chức các hoạt động. Khi có những vấn đề nảy sinh, cơ sở để giải quyết vấn đề chính là các nội dung có trong bản điều lệ này...", cô Mai Hương chia sẻ.
Đại diện Ban giám hiệu Trường TH,THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục cũng đánh giá, Ban đại diện CMHS là một trong các lực lượng quan trọng tham gia hỗ trợ. Ban đại diện cha mẹ học sinh cung cấp thông tin, phản ảnh tính hiệu quả, đánh giá khách quan các hoạt động giáo dục và biện pháp quản lý giáo dục học sinh một cách trung thực đến nhà trường.
Đồng thời, là kênh để nhà trường chuyển tải đến cha mẹ học sinh toàn trường chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước cũng như các chủ trương, quan điểm, kế hoạch hoạt động của nhà trường. Vì vậy, nếu mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình không thông suốt, các thông tin không được kịp thời ở cả hai chiều thì sẽ dẫn đến những hậu quả có thể không kiểm soát được.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Với góc nhìn từ giáo dục, cô Lê Thị Mai Hương đánh giá cao sự tham gia góp ý và hỗ trợ trong việc xây dựng kế hoạch một số hoạt động giáo dục của nhà trường của các lớp. Đặc biệt, tổ chức các sự kiện, hoạt động trải nghiệm, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh mà Ban đại diện cha mẹ học sinh phát huy rất hiệu quả. Trong công tác xã hội hóa, Ban đại diện CMHS giúp nhà trường chia sẻ đến phụ huynh học sinh những nhu cầu chính đáng, những khó khăn mà nhà trường gặp phải và huy động sự tham gia hỗ trợ tự nguyện đảm bảo công khai, đúng quy định.
Học sinh Trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục với các hoạt động trải nghiệm. |
Mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình và xã hội là một trong các tiêu chí để xác định chất lượng giáo dục của nhà trường. "Nếu nhà trường có mối quan hệ phối hợp tốt với gia đình và các tổ chức xã hội thì sẽ tận dụng được nguồn lực để cải thiện chất lượng giáo dục và đảm bảo tính hiệu quả bền vững của các hoạt động giáo dục.
Đơn cử, công tác giáo dục đạo đức, thực hiện các quy tắc ứng xử, văn hóa nhà trường, thực hiện an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, công tác bảo vệ môi trường… đều cần có sự đồng hành chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội...", cô Lê Thị Mai Hương lấy ví dụ.
Để nâng cao chất lượng Ban đại diện CMHS tại nhà trường, cô Lê Thị Mai Hương đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng đảm bảo thông tin hai chiều thông suốt bằng việc tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh từng cấp, khối, lớp với đầy đủ các thông tin liên hệ, lập nhóm liên lạc thường xuyên.
Bên cạnh đó, thông báo đầy đủ kế hoạch hoạt động của nhà trường đến CMHS từ đầu năm, kịp thời thông báo các chủ trương của nhà trường thông qua website, email, thư thông báo, nhóm liên lạc. Lập hòm thư phản ảnh để kịp thời nắm thông tin.
Đồng thời, định kì tổ chức gặp mặt đại diện CMHS trường để có những trao đổi thông tin thường xuyên. Ngoài ra, mời ban đại diện CMHS tham gia một số hoạt động của nhà trường (theo quy định) và một số hoạt động khác.
"Tham gia với vai trò thành viên hội đồng trường, tham gia hội đồng kỉ luật, tham gia hội đồng lựa chọn SGK của chương trình GDPT 2018, tham gia kiểm soát các hoạt động dịch vụ như: bếp ăn bán trú, dịch vụ xe đưa đón học sinh, tham gia xây dựng và triển khai công tác xã hội hóa.. Đó chính là sự phối hợp nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.", cô Lê Thị Mai Hương nhấn mạnh.