Ban đại diện cha mẹ học sinh: Phát huy vai trò 'cầu nối'

GD&TĐ - Ban đại diện CMHS không chỉ đại diện tiếng nói, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh mà còn là “cầu nối” giữa nhà trường và gia đình.

Họp phụ huynh đầu năm Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NTCC
Họp phụ huynh đầu năm Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NTCC

Đồng hành để giáo dục toàn diện

Anh Thân Quang Minh, thành viên Ban đại diện CMHS lớp 12i Trường Marie Curie trao đổi: Hàng năm, Ban đại diện CMHS họp với phụ huynh 3 lần vào đầu, giữa và cuối năm học để thông báo tình hình thu chi tài chính; xin ý kiến phụ huynh để thông qua các khoản thu chi theo quy định; tham gia một số hoạt động, chăm lo, giáo dục học sinh…

Ngoài việc tham gia vào hoạt động chung dịp lễ Tết; giải bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, Ban đại diện CMHS lập nhóm Zalo để trao đổi tình hình học tập; lưu ý của thầy cô chủ nhiệm, bộ môn; chia sẻ kinh nghiệm chọn khối, chọn trường… Đặc biệt, từ đề xuất của Ban đại diện CMHS, phụ huynh của lớp đồng ý và triển khai khen thưởng học sinh có thành tích tốt hàng tháng; tặng thưởng đội bóng đá, bóng chuyền khi đạt thành tích tại các vòng thi đấu… từ nguồn quỹ lớp. Nhờ động viên khuyến khích kịp thời, học sinh tăng động lực, thêm nỗ lực trong học tập…

“Tham gia Ban đại diện CMHS như “làm dâu trăm họ”, tuy nhiên chúng tôi đều động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiệt tình, trách nhiệm nhất có thể với mục tiêu cuối cùng vì học sinh. Trải qua 3 năm, thành viên Ban đại diện CMHS có lúc thay đổi… song cơ bản các hoạt động đều hiệu quả, minh bạch, nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của hầu hết phụ huynh trong lớp…”, anh Minh trao đổi.

Chị Hợp cho biết: Việc “nhạy cảm” nhất liên quan tới các khoản thu chi, Ban đại diện CMHS trường đều lên kế hoạch, dự tính rõ ràng từng khoản, từng đầu việc… rồi gửi tới đại diện CMHS các lớp xin ý kiến, biểu quyết của phụ huynh cả lớp. Nếu trên 90% đồng thuận, Ban đại diện CMHS trường, lớp mới triển khai. Với ý kiến đóng góp xây dựng hợp lý, Ban đại diện CMHS cũng sẵn sàng điều chỉnh để hoạt động tốt hơn; Giải thích để phụ huynh hiểu, chia sẻ khi còn băn khoăn, thắc mắc… trước vấn đề nào đó.

Chị Nguyễn Thị Hợp, Trưởng ban đại diện CMHS Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã và đang tham gia khi có 2 con theo học tại trường. Đến nay, con thứ 2 học lớp 9 và chuẩn bị ra trường, chị Hợp nhận thấy tham gia công việc của Ban đại diện CMHS không dễ nhưng chẳng khó nếu mọi việc làm đúng theo quy định, chức năng nhiệm vụ: Luôn công khai minh bạch, có sự đồng thuận của phụ huynh các lớp trong các khoản thu chi; Phối hợp chặt chẽ và có sự giám sát của nhà trường và đặc biệt không mưu cầu lợi ích cho con khi bố mẹ tham gia Ban đại diện CMHS…

Là “cầu nối”, tiếng nói cho phụ huynh nên Ban đại diện CMHS trường luôn đặt mình vào tâm thế của phụ huynh ở những vai trò, điều kiện khác nhau khi triển khai các hoạt động. Mặt khác, phối kết hợp chặt chẽ cùng nhà trường để giải quyết vấn đề liên quan linh hoạt, hiệu quả nhất.

Theo anh Nguyễn Việt Anh, thành viên Ban đại diện CMHS lớp 10K, Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), gần 2 tháng sau khai giảng, Ban đại diện CMHS lớp triển khai các hoạt động đúng theo Thông tư 55 về điều lệ Ban đại diện CMHS của Bộ GD&ĐT. Mọi hoạt động đều được Ban đại diện CMHS lớp thông báo, trao đổi, bàn bạc công khai cùng phụ huynh để xin ý kiến và đi tới quyết định.

Một số vấn đề, việc bỏ phiếu hay giơ tay biểu quyết tại cuộc họp phụ huynh có thể khiến phụ huynh ngần ngại, không phát biểu, hoặc phải quyết định theo xu hướng chung, Ban đại diện CMHS chuyển sang lấy ý kiến trong nhóm Zalo lớp. Phụ huynh chỉ cần tích vào ô đồng ý hoặc không đồng ý; không cần nêu đích danh. Như vậy vừa đảm bảo chính xác, đồng thời có thời gian suy nghĩ, hoặc thay đổi quyết định trong thời gian quy định.

“Khi Ban đại diện CMHS hoạt động đúng quy định; không mưu cầu danh lợi…, các thành viên tham gia đều trên tinh thần tự nguyện, phải nỗ lực, tâm huyết, quan tâm và đầu tư thời gian, đặt học sinh làm trung tâm. Sự kết nối giữa Ban đại diện CMHS của trường, lớp với nhà trường càng hiệu quả bao nhiêu, hoạt động giáo dục toàn diện bấy nhiêu…”, anh Việt Anh nhìn nhận.

Ban đại diện CMHS cần là “cầu nối” đúng nghĩa với nhà trường, giáo viên trong quá trình học sinh học tập tại trường. Ảnh: IT

Ban đại diện CMHS cần là “cầu nối” đúng nghĩa với nhà trường, giáo viên trong quá trình học sinh học tập tại trường. Ảnh: IT

Chọn đúng người, làm đúng việc

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) khẳng định, nếu Ban đại diện CMHS hoạt động theo đúng điều lệ do Bộ GD&ĐT quy định thì tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua còn có Ban đại diện CMHS chưa làm tốt vai trò, để xảy ra tiêu cực trong hoạt động… Điều đó xuất phát từ 2 phía: Năng lực của Ban đại diện CMHS chưa đủ (nhiều thành viên do nhiệt tình được mời vào Ban đại diện). Về phía nhà trường, một số hiệu trưởng đã lợi dụng chức năng nhiệm vụ của Ban đại diện để triển khai các việc không đúng quy định (thu – chi; ủng hộ; núp bóng Ban đại diện CMHS để thu tiền).

Do đó, theo quan điểm của PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, để Ban đại diện CMHS làm tốt, đúng vai trò, thực sự là “cầu nối” gia đình và nhà trường… khi thành lập cần chọn đúng người có hiểu biết, nhiệt tình; có năng lực tuyên truyền giúp phụ huynh hiểu và thực hiện chủ trương đúng, dám lên tiếng phản đối cái sai.

Đặc biệt cần loại bỏ người cơ hội, tham gia Ban đại điện CMHS nhằm mong muốn con em được nâng đỡ không trong sáng. Thậm chí, trước khi có quyết định thành lập Ban đại diện CMHS nên thẩm định chuyên môn, năng lực… thành viên tham gia Ban đại diện CMHS. Không để việc bầu Ban đại diện CMHS mang tính cảm tính, hoặc chỉ định.

Mặt khác, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cũng cho rằng, để không xảy ra tiêu cực, “mượn tay” Ban đại diện CMHS trong việc thu chi, các trường, lớp cần có quy định rõ ràng mức chi, khoản được chi theo từng trường hợp cụ thể. Ban đại diện CMHS cũng cần có quy chế phát ngôn tránh tình trạng mượn “vai” làm việc sai mục đích; Tăng cường sự giám sát Ban đại diện CMHS từ nhà trường, phụ huynh các lớp…

Cô Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập cũng khẳng định vai trò của Ban đại diện CMHS trong các nhà trường cần thiết, không thể thiếu. Tổ chức này giúp cho hoạt động giáo dục nhà trường toàn diện, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cô Thanh cũng đồng thuận quan điểm phải nâng “chất” Ban đại diện CMHS để phối hợp hiệu quả; tạo ra sự đồng thuận với phụ huynh trong lớp. “Ban đại diện CMHS phải là “cầu nối” đúng nghĩa cho hoạt động giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội. Nên thay thế thành viên nếu quá trình hoạt động không phát huy được vai trò, trách nhiệm…”, nữ Hiệu trưởng bày tỏ.

“Không nên vì một vài Ban đại diện CMHS hoạt động chưa đúng quy định mà loại bỏ vai trò này ra khỏi nhà trường. Ở đâu Ban đại diện CMHS làm sai quy định thì chấn chỉnh, sửa chữa. Từng sở/phòng GD&ĐT phải thường xuyên quán triệt quy định đến từng trường, hiệu trưởng, giáo viên. Thường xuyên rà soát Ban đại diện CMHS để có sự điều chỉnh phù hợp…”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.