Từ những hạt nhân đầu tiên
Những sáng thu Hà Nội, ngôi nhà nằm bên sông Hồng (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) của Đại tá, nghệ sĩ Nguyễn Quân ăm ắp tiếng đàn, tiếng hát. Bởi lẽ, đây chính là nơi hò hẹn của những tâm hồn yêu nghệ thuật, không cứ phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp mà có thể là bất cứ ai, đang làm nghề gì cũng cùng đến đây hòa nhịp những tình yêu, những khát vọng, những ước mơ.
Còn nhớ, từ buổi đầu, Đại tá, nghệ sĩ Nguyễn Quân đã đem ý tưởng ấp ủ bấy lâu về việc tập hợp những tâm hồn say mê nghệ thuật cùng gắn kết hoạt động trong một mái nhà, có thể là câu lạc bộ hoặc cũng có thể là trung tâm nghệ thuật, với người bạn - Đại tá Lại Huy Thực, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Vũ khí/Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.
Thật mừng vui khi đó cũng là điều mà bấy lâu nay Đại tá Lại Huy Thực vẫn từng mong chờ. Thế là, ngay lập tức hai người đã bắt tay và cùng đồng hành xây những viên gạch đầu tiên, xuất phát điểm của Trung tâm Nghệ thuật Du ca sông Hồng.
Được thành lập từ những con người mang bầu nhiệt huyết và lòng đam mê chẳng bao giờ vơi đối với nghệ thuật như thế, những hạt nhân ban đầu của Du ca sông Hồng là ban lãnh đạo, gồm 4 thành viên: Nguyễn Quân, Trịnh Hải, Nguyễn Kỳ và Phương Hà. Đại tá, nghệ sĩ Nguyễn Quân được phân công làm chủ tịch trung tâm.
Suốt hơn một năm qua, khởi đầu là Hà Nội rồi mở rộng chi nhánh đến Phú Thọ, Hưng Yên, trung tâm đã trở thành nơi tụ hội của những người yêu nghệ thuật.
Họ là những sĩ quan trung, cao cấp của công an, quân đội, những người làm công tác khoa học, giáo dục, các văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên. Tất cả cùng có chung một chí hướng là góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại thuộc vùng châu thổ sông Hồng và Đồng bằng Bắc Bộ.
Đến những đam mê kết nối
Là tổ chức xã hội tự nguyện nên kinh phí hoạt động của trung tâm đều do các thành viên bỏ tiền túi đóng góp để tập luyện, xây dựng chương trình và phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Tới nay, trung tâm đã tổ chức biểu diễn được hàng trăm buổi, đi đến đâu cũng được khán giả yêu quý, mến mộ. Không chỉ dừng ở đó, bên cạnh việc tổ chức biểu diễn, trung tâm còn phối hợp tổ chức các lớp học năng khiếu cho thanh, thiếu nhi với các bộ môn như: Đàn, hát và mỹ thuật…
“Bằng những hoạt động nghệ thuật phong phú, đa dạng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Trung tâm Nghệ thuật Du ca sông Hồng đã tạo ra một sân chơi dành cho tất cả những tâm hồn yêu nghệ thuật để cùng cống hiến cho xã hội và cộng đồng. Không chỉ là lời ca, tiếng nhạc đơn thuần mà trung tâm còn gắn các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những gia đình có công với cách mạng, những mảnh đời bất hạnh…”, Đại tá, nghệ sĩ Nguyễn Quân - Chủ tịch Trung tâm Nghệ thuật Du ca sông Hồng, chia sẻ.
Là người tận tâm kết nối các thành viên và quán xuyến mọi việc của trung tâm, Đại tá Lại Huy Thực cho biết, ngoài việc kiện toàn công tác tổ chức, phát triển hội viên, trung tâm đã xây dựng kế hoạch tổ chức luyện tập thường xuyên (mỗi tuần, sinh hoạt từ 1 - 2 buổi).
Khi đó, các thành viên có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ gạo cội để nâng cao trình độ, năng lực biểu diễn cho bản thân, nhất là đối với những thành viên chưa có kiến thức cơ bản về âm nhạc và biểu diễn. Chủ trương của lãnh đạo trung tâm là từng bước phấn đấu để các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công có trình độ tương đương với chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của trung tâm.
Khi có chương trình biểu diễn phục vụ các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hoặc các cơ quan, đơn vị như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Tuyên Quang thì việc tập luyện không kể giờ giấc, có khi tập liên tục suốt cả tuần. Cũng vì, với mỗi thành viên của Du ca sông Hồng, khi được mời biểu diễn là một niềm vinh hạnh nên luôn phải chuẩn bị những chương trình, tiết mục hay và hấp dẫn nhất để sẵn sàng phục vụ công chúng.
Ca sĩ Nhật Anh – một trong những nghệ sĩ tích cực với các hoạt động của Du ca sông Hồng kể, chị đã đến với trung tâm vì tình yêu nghệ thuật và niềm mong mỏi được cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật. Thế nên, mỗi buổi biểu diễn cùng Du ca sông Hồng, nhất là những buổi biểu diễn thiện nguyện luôn mang đến cho chị những cảm xúc đặc biệt.
Thạc sĩ khoa học Trịnh Quốc Hải (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ, nhiều người cứ nghĩ những người làm công tác khoa học là khô khan, chỉ biết đến những con số.
Thực ra, không ít người làm khoa học rất lãng mạn trong công việc và tâm hồn nên giữa bao công việc nhọc nhằn chỉ cần cất tiếng hát lên là sẽ thấy cuộc sống rất tươi đẹp. “Với riêng tôi, từ lâu đã có niềm đam mê nhạc Trịnh. Khi gặp gỡ anh Quân, anh Thực, niềm đam mê ấy được gắn kết và cùng lan tỏa trong những khúc du ca bay bổng, lãng mạn…”, ông Hải bày tỏ.
Mỗi tháng, mỗi tuần… bên dòng sông Hồng chở nặng phù sa, những tâm hồn nghệ sĩ lại gặp gỡ, giao hòa vào du ca. Đấy là một Du ca sông Hồng - một dòng sông ca nhạc thơ mộng, lãng mạn được bồi đắp bao khát vọng, ước mơ vì một cuộc sống tươi đẹp.