Quý II/2016: Gần 1,1 triệu lao động thất nghiệp

GD&TĐ - Trong quý II/2016, cả nước có 1,0887 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp con số này đã tăng hơn so với quý I/2016 là 16.400 người (chiếm 2,29%). 

Quý II/2016: Gần 1,1 triệu lao động thất nghiệp

Lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp là 6,6% và 4%... Đây là thông tin được công bố tại Hội thảo công bố Bản tin cập nhật thị trường số 10, do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 17/8/2016, tại Hà Nội.

Cần nhân lực trực tiếp sản xuất

Theo bản tin, hiện Việt Nam có 70,85 triệu người từ 15 tuổi trở lên, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,36 triệu. Dân số từ 15 tuổi trở lên và lực lượng lao động khu vực thành thị có xu hướng tăng khá nhanh so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, dân số từ 15 tuổi trở lên tăng 6,27% và lực lượng lao động tăng 7,49%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung được cải thiện chậm, chiếm 20,62% lực lượng lao động, chỉ tăng 0,56% so với quý II/2015. Tỷ trọng lao động khu vực nông thôn và ngành nông - lâm - thủy sản, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Cả nước có 1,0887 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp; so với quý I/2016 tăng 16.400 người (2,29%). Lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là 6,6% và 4% (do nhóm lao động này đang gia tăng đáng kể). Tuy vậy, tình trạng thiếu việc làm giảm mạnh cả về số lượng và tỷ lệ (1,41 triệu người, chiếm 1,55%). Số giờ làm việc bình quân một tuần của lao động thiếu việc làm là 26,45 giờ, giảm 1,58 giờ so với quý I/2016, bằng 55,5% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (47,69 giờ/tuần).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, thực trạng thị trường lao động hiện nay là nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất cao, nhưng nhu cầu về lao động có trình độ cao đẳng, đại học lại ít. Do vậy, cần có sự kết hợp của các bộ, ngành, thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng. Nhất là phải có dự báo để đổi mới kế hoạch hoá giáo dục, đào tạo tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Nợ BHXH tăng, thu nhập giảm

Theo bản tin, quý II/2016, trên cả nước, tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động là 23,05%; số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 2,03% so với quý I/2016, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2015; số tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục giảm nhẹ so với quý I/2016. Nợ BHXH ở thời điểm cuối quý II/2016 là 9.242 nghìn tỷ, cao hơn 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Về thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong quý II là 4,85 triệu đồng (quý I là 5,08 triệu). Nguyên nhân do quý I gắn với Tết Nguyên đán cho nên người lao động được hưởng thêm tiền thưởng Tết, do đó thu nhập quý II giảm là điều tất nhiên. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động làm công ăn lương cũng giảm so với quý I (từ 41,40% xuống còn 41,26%); ngành công nghiệp chế biến chế tạo có số lượng lao động giảm nhiều nhất (61.000 người, chiếm trên 10%).

Theo thống kê, tất cả các nhóm nghề đều có thu nhập thấp hơn quý I/2016, nhưng cao hơn quý II/2015. Nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách đối với các nhóm còn lại. Dự báo 6 tháng cuối năm, việc làm tăng trong một số ngành như: Xây dựng, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, kinh doanh bất động sản. Lao động trong ngành nông nghiệp giảm nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ.

Về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc thông báo về việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2016.

Theo đó, 90 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 35% thuộc 10 tỉnh, thành phố có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2016. Trước mắt, tạm dừng ngay lập tức với 44 quận/huyện có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Việc này không áp dụng trong tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp trong năm 2016 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.