Với chủ đề “The Future Me” (Tôi trong tương lai), D-Show 25 khuyến khích học sinh tự do sáng tạo, khai phá bản thân và khắc hoạ chân dung thế hệ tương lai với đa dạng hình thức thể hiện.
Chương trình là sự kết hợp giữa sân khấu nghệ thuật, dự án chuyên môn và các hoạt động vì cộng đồng. Qua đó, học sinh không chỉ thể hiện tư duy hội nhập, tinh thần đổi mới mà còn lan tỏa thông điệp dám mơ, dám làm, dám khác biệt - những phẩm chất quan trọng của một công dân toàn cầu trong thế kỷ 21.
Trên sân khấu Chung kết, 7 đội thi đại diện cho các cơ sở đã mang đến những màn trình diễn bùng nổ với đa dạng thể loại như hát, nhảy hiện đại, múa đương đại, rap, ballet,…
Mỗi tiết mục đều phản ánh tư duy nghệ thuật độc đáo và cách diễn giải thông điệp “The Future Me” theo ngôn ngữ riêng.

Đơn cử, tiết mục “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của trường Tiểu học Brendon tái hiện những trang sử hào hùng, gửi gắm khát vọng của một thế hệ tương lai yêu chuộng hòa bình, biết trân trọng những giá trị lịch sử mà ông cha ta đã dày công vun đắp.
Học sinh The Dewey Schools Dương Kinh thì tạo ấn tượng với sự tham gia của gần 100 thí sinh trong tiết mục “Hoa bão”. Đây là tiết mục khắc hoạ chân dung thế hệ học sinh dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với thử thách và không ngừng vươn lên, bằng tài năng, bằng sự tử tế và bằng một trái tim biết yêu thương.
Đội thi The Dewey Schools Tây Hồ Tây mang đến góc nhìn khác biệt với vở nhạc kịch “Who?” - hành trình đối thoại với chính mình trong thời đại AI. Không phê phán công nghệ, vở kịch đặt ra khát vọng lớn hơn: Làm sao để con người không đánh mất bản sắc giữa những thuật toán vô cảm?

“Who?” là lời nhắc nhở rằng AI có thể học để hiểu, nhưng chỉ con người mới sở hữu cảm xúc, ký ức và lựa chọn – những giá trị không thể lập trình. Nếu không tự định vị chính mình, ta sẽ bị tương lai định đoạt.
Tại vòng Chung kết, thay vì tập trung vào các màn tranh tài cá nhân như những cuộc thi tài năng thông thường, D-Show 25 tôn vinh tinh thần đồng đội khi tổ chức theo mô hình liên quân giữa các cơ sở. Học sinh không chỉ thể hiện năng khiếu mà còn học hỏi lẫn nhau, tận dụng thế mạnh của đồng đội để cùng tỏa sáng. Chính sự gắn kết này đã tạo nên những màn trình diễn ấn tượng, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần sẻ chia, hợp tác và tôn trọng sự khác biệt.
Bên cạnh đó, sự giao thoa giữa nhiều loại hình nghệ thuật trong từng tiết mục mở ra cơ hội để học sinh học cách lắng nghe, phối hợp để tạo nên một tiết mục ấn tượng. Những trải nghiệm này không chỉ giúp các em hoàn thiện kỹ năng biểu diễn mà còn bồi đắp tư duy cởi mở, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của sự kết nối và hội nhập.

Một trong những điểm nhấn của chương trình năm nay là chiến dịch gây quỹ “Phòng tin học cho em”.
Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, khoa học được trưng bày tại Triển lãm nghệ thuật sáng tạo, học sinh đã trực tiếp quyên góp quỹ để hỗ trợ trang thiết bị tin học cho những trường học vùng cao còn nhiều khó khăn.
Đây không chỉ là hoạt động thiện nguyện, mà còn là minh chứng cho cách học sinh áp dụng 5 bước của tư duy thiết kế để hiện thực hóa ý nghĩa nhân văn trong từng tác phẩm.
Toàn bộ số tiền gây quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ các trường học vùng cao, góp phần mang lại cơ hội tiếp cận công nghệ và tri thức số cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.