Diễn văn khai mạc được ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQG Hà Nội trình bày cho biết: Kể từ khi các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) được xác lập năm 1992 và Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được 193 quốc gia thông qua năm 2015, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vươn lên ngoạn mục của nhiều quốc gia song hành với sự cải thiện đáng kể chất lượng sống của hàng tỷ người dân.
Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại diễn đàn |
Cùng với sự phát triển thần kỳ về kinh tế và khoa học công nghệ, nhân loại cũng đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có về biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phủ khắp với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đe dọa an ninh và phát triển bền vững của toàn thể nhân loại.
Được đánh giá là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức to lớn để bảo vệ thành quả đạt được sau hơn 30 năm đổi mới nền kinh tế và hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Giám đốc Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn Diễn đàn sẽ là nơi để các nhà khoa học cùng hợp tác, hiến kế vì sự phát triển bền vững.
Các nhà khoa học tham dự diễn đàn |
Tại Diễn đàn, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), bà Helen Elizabeth Clark sẽ chia sẻ về giải pháp ứng phó với tị nạn khí hậu một cách nhân văn, hài hòa giữa giải pháp quốc tế và địa phương.
Phó chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ông Youba Sokona sẽ trình bày báo cáo về sự kết nối và thống nhất trên toàn cầu, liên quốc gia về chiến lược giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, vai trò quan trọng của ứng phó biến đổi khí hậu với phát triển bền vững.
Liên quan đến khu vực Đông Nam Á, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen P. Groff sẽ trình bày báo cáo về các điểm nóng môi trường cũng như định hướng phát triển đô thị thông minh, cac-bon thấp, hạ tầng bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giáo sư Diana Ürge-Vorsatz từ ĐH Trung Âu, phó trưởng ban WGIII của IPCC sẽ chia sẻ tại Diễn đàn những thông điệp cốt lõi của báo cáo IPCC với kịch bản 1,5 độ C.
Về phía ĐHQGHN, GS.TS. Mai Trọng Nhuận sẽ trao đổi các vấn đề chính về ứng phó biến đổi khí hậu và các giải pháp liên quan tại Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Sau phiên toàn thể, Diễn đàn Hà Nội sẽ chia ra làm 05 tiểu ban chuyên môn. Đồng thời, Diễn đàn còn có hai phiên phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao, ở đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ trì mỗi tiểu ban chuyên môn là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, nhà lập chính sách đến từ Việt Nam và quốc tế, Chủ tịch UBND tp Hà Nội cùng TS. Micheal Ellis từ Cục Địa chất Hoàng gia Anh sẽ chủ trì phiên đối thoại chính sách về đồng bằng sông Hồng. Phiên đối thoại chính sách về đồng bằng sông Cửu Long được chủ trì bởi TS. Trương Đức Trí, phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường và GS.TS. Alex Smajgl từ ĐH Deakin (Australia).
Lựa chọn “Ứng phó với Biến đổi khí hậu”, nội dung thứ 13 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững làm trọng tâm thảo luận, với tên gọi: “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh”, Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học – công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.