Gần 30 nghìn giáo viên Thủ đô mòn mỏi chờ thăng hạng

GD&TĐ - Tin từ Sở Nội vụ Hà Nội, hiện chưa có quy định bỏ thi thăng hạng giáo viên...

Giáo viên Trường Mầm non Ánh Sao (Hà Nội) trong giờ lên lớp. Ảnh: ITN
Giáo viên Trường Mầm non Ánh Sao (Hà Nội) trong giờ lên lớp. Ảnh: ITN

Sau khi Bộ GD&ĐT trả lời một số nội dung liên quan đến bổ nhiệm sang hạng, chuyển hạng và thăng hạng, gần 2.500 nhà giáo tại Hà Nội thêm một lần nóng lòng chờ văn bản hướng dẫn mới từ đơn vị liên quan. Tuy nhiên, tin từ Sở Nội vụ Hà Nội, hiện chưa có quy định bỏ thi thăng hạng giáo viên. Bên cạnh đó với số lượng gần 30 nghìn hồ sơ, áp dụng hình thức xét tuyển rất khó thực hiện.

Dùng dằng giữa thi và xét

Như Báo GD&TĐ đã thông tin (ngày 31/7), thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A đại diện hơn 2.000 giáo viên các cấp tại Hà Nội gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giám đốc các sở (GD&ĐT, Nội vụ) về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Trong tâm thư thầy cô bày tỏ mong muốn bỏ thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Bởi theo họ, thăng hạng chức danh nghề nghiệp vốn là sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích thành tích, cống hiến của giáo viên nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi.

“Tôi và các bạn cùng học một trường đại học, ra trường, mỗi người về địa phương mình sinh sống. Cùng xuất phát điểm, bằng cấp, cống hiến như nhau. Nhưng bạn tôi ở tỉnh khác được xét tuyển thăng hạng, được tăng lương, trong khi tôi ở Thủ đô phải thi và có thể trượt vì ngoại ngữ thế hệ 7X không thể học giỏi được và so sánh với thế hệ trẻ hơn, rõ ràng cuộc thi không công bằng...”, thầy Đường bày tỏ.

Trong danh sách lên tới 2.483 giáo viên, 100% đề xuất nguyện vọng được xét tuyển. Có 133 giáo viên không cung cấp đủ thông tin hợp lệ để xác nhận danh tính hoặc không đủ tuổi xét duyệt theo quy định. 2.350 giáo viên đã cung cấp đủ, hợp lệ: Họ tên, đơn vị công tác, ngày tháng năm sinh và số điện thoại. Lứa tuổi 7X và 8X chiếm 92,6% trên tổng số giáo viên hợp lệ, tỷ lệ tuổi 6X là 3,4% và 9X là 4%.

Hầu hết thầy cô đều nhận định: Tổ chức một kỳ thi cho hàng nghìn giáo viên tiêu tốn nguồn kinh phí không nhỏ. Trong khi đó, công sức và thời gian giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít mà tính chất kỳ thi không thực sự công bằng, không xây dựng được giá trị cốt lõi gì đối với ngành Giáo dục. Với thời gian, công sức, nguồn kinh phí ấy, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ có ý nghĩa nhiều hơn.

Cô Ng.T. Mai (quận Long Biên) bày tỏ, được Hội đồng trường xét duyệt đề cử thăng hạng là bằng chứng rõ nhất đối với quá trình đóng góp của mỗi giáo viên. “Một kỳ thi tuyển chọn với kiến thức ngoại ngữ và tin học có lẽ không phù hợp và không công bằng giữa các nhóm tuổi giáo viên và khối trường.

Tôi nghĩ, nếu Hà Nội không đủ nguồn lực để chi trả cho việc tăng lương từ việc thăng hạng giáo viên, có thể tính toán lại. Nên xác định số lượng có thể đáp ứng và phân bổ theo đợt, theo năm về các trường, để hội đồng mỗi trường tự đánh giá và trao cho người xứng đáng nhất…”, nữ giáo viên bày tỏ.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định ngạch công chức đối với công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức để xác định trình độ, năng lực, khả năng thực thi nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm.

Theo ông Cảnh, đối với công chức để bổ nhiệm ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp cơ bản phải thi. Đối với viên chức, để làm cơ sở thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng 3 (tương đương chuyên viên) lên hạng 2 và hạng 1 (tương đương chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp) có 2 hình thức: Thi hoặc xét.

Về thẩm quyền, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đề án, xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi tổ chức thi hoặc xét. UBND TP Hà Nội đã phân cấp nhiệm vụ thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức cho Sở Nội vụ chủ trì.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho hay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên những năm qua Hà Nội không tổ chức các kỳ thi này. Vì vậy, năm 2023, sở có văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký, lập danh sách đề nghị nâng ngạch chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II, trong đó có giáo viên.

Căn cứ vào hồ sơ đăng ký, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng đề án, báo cáo UBND TP xin ý kiến Bộ Nội vụ phê duyệt, để thực hiện trong tháng 12/2023. Như vậy, căn cứ vào số lượng viên chức, giáo viên đăng ký mới quyết được việc thi hay xét tuyển.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Bỏ thi có khả thi?

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết thêm, 3 năm vừa qua do phòng chống dịch Covid-19 nên không tổ chức thi/xét thăng hạng được nên năm nay dự kiến số lượng tham gia sẽ rất lớn.

“Qua tổng hợp sơ bộ danh sách đăng ký, đến hết ngày 28/7 có 30/30 quận huyện thị xã và 3 sở đăng ký, gửi báo cáo về cơ cấu, danh sách viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thăng hạng với khoảng 30 nghìn hồ sơ; trong đó giáo viên chiếm số lượng lớn. Với số lượng hồ sơ nhiều như vậy, để chấm phải huy động rất đông đội ngũ giám khảo có năng lực chuyên môn và thời gian kéo dài khoảng 2 tháng. Điều này tốn kém kinh phí và khó thực hiện,…”, ông Cảnh thông tin.

“Thăng hạng viên chức ngành Giáo dục thực hiện theo Nghị định số 115/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 34/2021/TT-BGDDT thông qua 2 hình thức: Thi thăng hạng hoặc Xét thăng hạng với rất nhiều nhóm tiêu chí chấm điểm. Với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, khó có khả năng đáp ứng hình thức xét tuyển vì việc rà soát, thẩm định, phê duyệt từng hồ sơ mất nhiều thời gian...”, ông Cảnh nói đồng thời cho hay:

Số lượng ứng viên đăng ký lớn, nhân lực ở Sở Nội vụ cũng không có đủ để thực hiện nghiên cứu, thẩm định. Ngoài ra, việc thi tuyển công khai, khách quan, minh bạch cũng nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ. Đây là giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ trong giai đoạn hiện nay…

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết thêm, hiện do chưa chốt số hồ sơ đăng ký, do đó phương án thi hay xét thăng hạng chưa cụ thể. Sau khi có danh sách chính thức, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng Đề án cụ thể, báo cáo UBND TP xin ý kiến Bộ Nội vụ phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một binh sĩ quân đội Nga.

300.000 lính tình nguyện Nga tham chiến

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Nga mới đây thông báo rằng, hơn 300.000 binh lính đã ký hợp đồng tự nguyện để tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.