(GD&TĐ) - Những thay đổi tính cách của giới trẻ thường bắt đầu từ lớp 7, 8. Học sinh nam có thể tự nhiên say mê game, chat,… hay con gái lớn hơn một chút thì có thể thầm yêu trộm nhớ. “Thần tượng” của các em nếu không là các bạn xung quanh thì là các thần tượng diễn viên trong phim ảnh, ca sĩ…
Chuyện… bình thường!
Anh Nguyễn Lương Hoàng, quận Đống Đa, Hà Nội kể: Một hôm vào khoảng 1h sáng, ông anh ruột gọi điện cho tôi nhờ cùng với gia đình chia nhau đi tìm cô con gái 15 tuổi, đi suốt từ chiều đến giờ vẫn chưa về, cả nhà đang hốt hoảng nháo lên đi tìm. Được biết hôm trước cháu có xin phép ra sân bay để đón thần tượng của mình là diễn viên Hàn Quốc Bi Rain, nhưng bố cháu không đồng ý.
Tôi liền điện thoại hỏi cảng vụ sân bay thì được biết chuyến bay chở Bi Rain đã hạ cánh lúc 23h. Theo lộ trình cậu ta nghỉ tại khách sạn Daewoo.
Tôi bèn ra khách sạn để tìm. Đến nơi thấy cô cháu đang cùng với các fan hâm mộ khác cầm những tấm pano, khẩu hiệu chào mừng Bi Rain… chỉ để mong được gặp thần tượng của mình. Mặc dù được nhiều người lớn và bảo vệ khách sạn khuyên can, nên đi về vì đã quá muộn nhưng lũ trẻ “dở hơi” vẫn không chịu từ bỏ ý định của chúng.
Chị Hà Phương cũng ở quận Đống Đa, Hà Nội tâm sự, con gái của chị rất thích phim Harry Porter và coi diễn viên chính của bộ phim là thần tượng của mình. Cô bé tìm kiếm tờ poste hình ảnh của phim về dán ở trong phòng riêng, dán những khẩu hiệu như: Sẽ đỗ đại học, sẽ làm tất cả vì… thần tượng, chứ không phải vì bất cứ ai.
Đỉnh điểm của sự bất ngờ khi chị chứng kiến tình huống thấy con đang học bất ngờ ngáp ngủ, và lấy tay che miệng rồi nói: Sorry!!!... với thần tượng trong ảnh của mình.
Một bà mẹ khác cảm thấy thực sự hoảng hốt khi phát hiện những dòng nhật ký của cô con gái đang học lớp 11 có đoạn: “…Khi cúi xuống nhặt cây bút vô tình anh chạm vào người em, lúc đó cảm giác như có một luồng điện chạy qua…”.
Thậm chí, những dòng nhật ký còn ghi lại những lần hẹn hò trong giờ giải lao ra sân sau của trường để… ôm nhau.
Khi được hỏi về những hiện tượng này, đa số các học sinh cuối cấp THCS hoặc THPT đều biết và tỏ ra đó là chuyện… bình thường và không cần góp ý. “Khi ra trường là các bạn quên ngay ấy mà. Người lớn không cần phải rùm beng lên làm gì …”, một nữ sinh lớp 10 khẳng định.
Biểu hiện mạnh mẽ
Theo cô giáo Đặng Hồng Phượng, Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội): Học sinh cuối cấp THCS và THPT là lứa tuổi có nhiều biến động nhất cả về thể chất và tâm sinh lý. Nếu như ở lớp 6 các em rất dễ bảo và ngoan ngoãn nhưng bắt đầu vào lớp 8 thì đã có sự thay đổi khác hẳn.
Đó cũng là quy luật của tuổi phát triển, hầu như không có học sinh nào không có sự thay đổi này, chỉ có thay đổi ở mức độ nào mà thôi, có nhiều học sinh phải lên THPT mới ổn định tâm lý. “Sự thay đổi đó, phụ thuộc vào 3 môi trường giáo dục: Nhà trường, xã hội và gia đình, tuy không coi nhẹ nơi nào nhưng theo tôi cảm nhận, nếp gia đình vẫn là quan trọng hơn cả”, cô Phượng nói thêm.
Cô giáo Tường Vân, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: Học trò thời nay luôn có xu hướng muốn khẳng định cái tôi của mình, quan điểm khác hẳn ngày xưa. Học cũng phải giỏi nhưng cũng phải biết hài hước, sử dụng tiếng lóng, facebook…
Về tình cảm cá nhân thì thực sự chưa có gì sâu sắc, tuy nhiên biểu hiện thì rất mạnh mẽ. Các em lại không cảm nhận chuyện đó một cách nặng nề như suy nghĩ của người lớn.
Trong gia đình, các bậc phụ huynh có thể phải chấp nhận những tình huống nhạy cảm, tránh căng thẳng dẫn đến phân tán việc học hành của các con, tìm biện pháp giáo dục thích hợp, đặc biệt thường xuyên liên hệ với nhà trường, thỉnh thoảng nói về những mặt trái của những thần tượng, gợi mở sự quan tâm của các em đến mọi người xung quanh, để dần dần các em hiểu được không nên lý tưởng hóa những thần tượng của mình, mà cần sống yêu thương, chia sẻ với cộng đồng.
Anh Quang