Đã từ lâu cụm từ “mạng xã hội” được xem là đồng nghĩa với Facebook. Đế chế của Mark Zuckerberg đã giành lấy danh hiệu này từ MySpace vào năm 2008 và duy trì ngôi vương trong các mạng xã hội từ đấy đến nay.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Facebook đã chạm đỉnh. Facebook vẫn là một nền tảng truyền thông, một nơi để người dùng giải trí trên mạng hay làm ăn kinh doanh. Nhưng với tính chất là một mạng xã hội, nơi người ta vào để giao lưu với bạn bè và người quen, Facebook đang bắt đầu suy thoái.
Nói cho đúng thì chúng ta vẫn đang dùng Facebook nhiều như trước. Theo ước tính, mạng xã hội này có 1,6 tỷ người dùng tích cực, với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày. Vấn đề là số người sử dụng Facebook để thực sự giao lưu với xã hội đang trở nên ít hơn trước. Theo dữ liệu của Facebook, số “chia sẻ gốc”, tức các bài viết về bản thân và đời sống cá nhân của người dùng, đang sụt giảm. Trong khi đó, người dùng lại gia tăng chia sẻ bài báo từ các nguồn khác. Nói cách khác, Facebook đang ở trong tình trạng “sụp đổ nội dung”, khi ranh giới giữa nền tảng giao tiếp cá nhân và trang thông tin điện tử đang trở nên nhạt nhòa.
Facebook nay không còn là nơi chia sẻ cá nhân nữa
Lâu nay, Facebook vẫn là nơi người dùng tìm đến để đăng những bức ảnh về cuộc sống cá nhân hay chia sẻ quan điểm của bản thân. Tuy nhiên, khi trở nên phổ biến, Facebook lại gây ra cảm giác nhàm chán và thiếu an toàn cho người dùng. Người dùng hiểu rằng họ không còn có thể vô tư chia sẻ thông tin cá nhân của mình như trước nữa. Những gì họ đăng trên Facebook, dù đã thiết lập chế độ riêng tư, cũng vẫn có nguy cơ bị chụp màn hình và bị cả thế giới biết. Đấy là chưa kể bản thân Facebook cũng đang âm thầm thu thập dữ liệu về người dùng để phục vụ cho các nhà quảng cáo của họ. Xét đến các yếu tố trên, không ngạc nhiên khi thấy người dùng có xu hướng giảm chia sẻ thông tin riêng tư của mình trên Facebook.
Đứng trước nguy cơ này, Facebook đang tích cực hành động để thay đổi tình hình. Công ty này đã thay đổi thuật toán để khuyến khích người dùng cập nhật trạng thái cá nhân. Facebook cũng bổ dung thêm các biểu tượng cảm xúc mới ngoài nút like để khuyến khích người dùng chia sẻ và tương tác với các bài đăng thể hiện nỗi buồn hoặc sự mơ hồ. Mới đây, Facebook đã cập nhật tính năng phát video trực tiếp cho toàn bộ người dùng trên thế giới nhằm khơi gợi cảm hứng của người dùng mà mạng xã hội này đang đánh mất. Công ty này có nhân lực và tiền bạc dồi dào, và khi họ cùng hợp sức cho một mục đích, họ thường thành công.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng khả năng đảo ngược tiến trình sụt giảm trong chia sẻ cá nhân của người dùng trên Facebook khó ngang với việc hồi sinh MySpace. Facebook có thể thay đổi thuật toán để hiển thị News Feed phù hợp hơn với thị hiếu của người dùng, thậm chí làm họ vui và buồn.
Thế nhưng để phục hồi lòng tin của người dùng lại là một câu chuyện khác
Tất cả những điều trên khiến chúng ta có cảm tưởng Facebook đang đến hồi mạt vận, hoặc ít nhất đang trở nên lỗi thời. Một mạng xã hội còn có ý nghĩa gì khi người dùng sợ phải chia sẻ thông tin cá nhân trên đó. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Facebook đang thực sự diễn ra.
Xét trên nhiều phương diện, điều này là không sai. Người dùng đang nhận ra rằng Facebook đã trở nên nhàm chán hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào những gì Facebook đã làm trong ba năm qua, chúng ta sẽ thấy công ty này đang âm thầm chuẩn bị cho “ngày tận thế” của mình.
Facebook đã tự định nghĩa lại bản thân theo hai cách khác nhau: Thứ nhất, Facebook đang tiến hóa một cách thầm lặng thành một thứ khác với mạng xã hội, một thứ mang tính cá nhân ít hơn nhưng không kém hữu dụng hơn. Thứ hai, Facebook đang tích cực khai phá những lĩnh vực công nghệ mới, khiến cho công ty này không đơn thuần là mạng xã hội nữa, giống như cách Google đang phát triển ra ngoài phạm vi của một website tìm kiếm.
Nó đã biến thành một thứ quá khác biệt so với ngày đầu
Vậy thì Facebook sẽ trở thành thứ gì, nếu không phải là mạng xã hội? Dễ thấy câu trả lời nếu nhìn vào cách chúng ta sử dụng Facebook. Facebook đã trở thành một cổng thông tin cá nhân để người dùng kết nối với thế giới Internet.
Thế giới đó bao gồm tin tức, giải trí, chơi game và dĩ nhiên là cập nhật thông tin từ bạn bè và người thân. Hơn 40% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ dùng Facebook để đọc tin tức mỗi ngày. Vai trò của mạng xã hội này đối với các nhà phát hành nội dung số đã trở nên quan trọng đến mức Facebook đã định hình lại cách các công ty trên sản xuất, trình bày và phân phối nội dung của mình. Kể từ khi Internet ra đời, các công ty đã tìm cách xây dựng một cổng trực tuyến phổ quát, kết nối với mọi đời sống thông tin trên mạng. Các công ty khác thì tìm cách nghĩ ra một trang tin điện tử tổng hợp, phân phối những câu chuyện và nội dung hay nhất trên Internet, được tùy biến để phù hợp với thị hiếu của người dùng. Xét trên nhiều phương diện, Facebook đã gần như làm được cả hai điều trên.
Facebook không làm điều này một cách ngẫu nhiên. Trong nhiều năm qua, Facebook đã tìm cách ưu tiên “nội dung chất lượng” trên news feed. Bằng cách này, Facebook không chỉ cho người dùng thấy cập nhật trạng thái thích hợp từ bạn bè mà còn cả thông tin chất lượng và thực chất hơn từ các nhà phát hành nội dung số thuộc mọi thể loại. Đó là vì giám đốc sản phẩm của Facebook, Chris Cox, đã nhìn thấy trước được rằng mạng xã hội này sẽ không thể trường tồn nếu chỉ nhờ người dùng cập nhật trạng thái. Facebook đã khuyến khích các hãng tin xuất bản tin tức trực tiếp trên mạng xã hội này.
Anh hiểu rõ mình đang làm gì chứ Zuckerberg?
Hãng còn bổ sung tính năng phát video trực tiếp để thu hút các ngôi sao và người nổi tiếng trên Youtube, cùng các trang tin điện tử khác nhằm tạo thêm nhiều nội dung hấp dẫn hơn. Tựu chung lại, Facebook muốn thâu tóm mọi loại hình nội dung trên Internet về lãnh địa của mình nhằm duy trì sự trung thành của người dùng.
Kế hoạch tiếp theo của Facebook sẽ là biến ứng dụng di động của mình thành một cổng thông tin điện tử. Facebook đang thử nghiệm một giao diện di động mới, cho phép người dùng lọc News feed theo chủ đề. Một thử nghiệm như vậy là chia News feed thành các mục như “Thời sự”, Thể thao” và “Giải trí”, giống như cách bố trí của một tờ báo. News feed vẫn được hiển thị dựa trên những thứ bạn bè của người dùng thích, chia sẻ, và bình luận và vẫn bao gồm các cập nhật trạng thái. Nhưng việc tổ chức lại news feed sẽ khiến việc đọc tin tức, thay vì kết nối xã hội, mới là trọng tâm của ứng dụng.
Nói tóm lại, Facebook sẽ chuyển từ một nền tảng giao tiếp thành một cổng thông tin điện tử
Vậy còn các mạng xã hội thì sao? Chúng đã đủ khả năng soán ngôi của Facebook chưa? Không phải Twitter. Chim xanh đã xa rời chức năng chính của một mạng xã hội. Hiện nay, Twitter giống với một công ty truyền thông nhiều hơn sau khi ký hợp đồng phát sóng giải vô địch bóng bầu dục của Mỹ. Các mạng xã hội mới nổi khác chủ yếu là những ứng dụng chia sẻ ảnh, video và nhắn tin. Những ứng dụng này tập trung vào việc tạo ra nhiều nội dung thân mật hơn cho các tương tác cá nhân. Hai nền tảng chia sẻ ảnh và video nổi bật nhất là Instagram và Snapchat. Hai ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất là WhatsApp và Facebook Messenger.
Trong số bốn nền tảng truyền thông xã hội lấy đi lượng lớn người dùng của Facebook, đã có tới ba cái tên thuộc sở hữu của Facebook là Instagram, WhatsApp, and Facebook Messenger. Và công ty này đang cố gắng để thâu tóm nốt nền tảng còn lại. Mặc dù Snapchat đã từ chối lời đề nghị của Facebook, công ty này thường cố bắt chước các tính năng cốt lỗi của Snapchat. Đầu tiên là tính năng “chọc ngoáy” Poke nhưng không thành công và gần đây là tính năng phát video trực tiếp.
Việc Facebook mua lại Instagram vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD đã bị nhiều người chế giễu nhưng hóa ra lại là một nước đi khôn ngoan. Tương tự với việc thâu tóm WhatsApp với giá 22 tỷ USD vào năm 2014. Nhưng Facebook không chỉ giới hạn sự phát triển của mình trong địa hạt mạng xã hội. Việc Facebook mua lại công ty thực tế ảo Oculus VR với giá 2 tỷ USD đã làm nhiều người ngỡ ngàng không kém hai thương vụ trên.
Tuyên bố của Zuckerberg về một ngày nào đó thực tế ảo sẽ trở thành “phương thức giao tiếp xã hội phổ biến nhất” có phần cường điệu. Nhưng động thái mở rộng sang thực tế ảo có ý nghĩa quan trọng xét đến việc Facebook muốn thoát khỏi cái vỏ mạng xã hội. Công ty này giờ đây muốn thống trị mọi loại hình truyền thông trực tuyến. Vì thế sự mở rộng sang thực tế ảo là một lẽ tự nhiên. Ngoài ra, Facebook cũng muốn biến Messenger thành một nền tảng của tương lai khi phát triển các chatbot trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo dựa trên ứng dụng này. Nếu thực tế ảo không phải là mỏ vàng mới, Facebook chẳng tội gì mà không đặt cược vào trí tuệ nhân tạo.
Rõ ràng, trong thời đại của Snapchat, Instagram, và WhatsApp, sẽ có lý khi nói rằng Facebook không còn là mạng xã hội nữa. Song, nhờ khả năng nhìn xa trông rộng của mình, Facebook đã tự thay đổi bản thân để vẫn vững mạnh trong một kỷ nguyên mới khó lường hơn.