Trong số những công ty này, Facebook và Google phải hứng chịu nhiều búa rìu dư luận nhất và đổi lại, hai công ty cũng không ngừng đưa ra những hành động để ngăn chặn vấn nạn này.
Từ đầu 2015, mạng xã hội tuyên chiến với nạn tin vịt bằng cách bổ sung thêm tuỳ chọn báo cáo: "It"s a false news story" cho người dùng. Khi người dùng chọn ẩn một mẩu tin vịt xuất hiện trên News Feed, tuỳ chọn này sẽ hiện ra.
Theo đó, khi Facebook thu thập được một lượng báo cáo đủ lớn, những tin bài lừa đảo bị hạn chế xuất hiện, và khả năng lan toả của những fanpage hay tài khoản chuyên phao tin vịt sẽ bị giảm đi đáng kể.
Sau khi áp dụng thuật toán mới, lượng tin vịt trên Facebook trong năm 2015 giảm mạnh. "Kể từ lúc cập nhật việc đánh tụt hạng các trang chuyên tung tin nhảm trên Facebook, chúng tôi nhận thấy sự suy giảm đáng kể những thông tin kiểu này", phát ngôn của Facebook tự tin nói với BuzzFeed News.
Tuy nhiên, đến năm 2016, đặc biệt là trong tháng một và hai, số lượng các tin vịt lại xuất hiện trở lại như nấm sau mưa.
Những trang tin vịt như National Report, Huzlers, Empire News, The Daily Currant, I Am Cream Bmp, CAP News, NewsBiscuit.com, Call the Cops và World News Daily Report,... vẫn sống khoẻ và dường như ngày càng có thêm nhiều chiêu trò để lan toả những nội dung không có thật trên Facebook.
Tất cả đều cố gắng phao tin nhảm nhằm câu kéo càng nhiều lượt share, lượt truy cập để tăng thứ hạng trên Google và có thể bán được quảng cáo.
Không chỉ người nổi tiếng, tin vịt trên Facebook cũng len lỏi đến các đài phát thanh địa phương Đầu năm 2016, tờ The New York Times cũng là nạn nhân của thông tin giả trên Facebook khi viết bài về vấn đề hạn chế việc sử dụng súng tại Mỹ.
Ban đầu CEO Facebook còn cho rằng 99% thông tin trên Facebook là thật, nhưng sau đó, chính anh lại đăng trên trang cá nhân của mình 7 việc mà Facebook đang làm để loại bỏ tin vịt bao gồm:
Xây dựng hệ thống nhận diện mạnh mẽ hơn, tạo thuận lợi cho người dùng để báo cáo tin giả mạo, dựa vào bên thứ ba để xác nhận thông tin, đưa ra cảnh báo cho người dùng trước khi họ đọc các tin tức giả mạo, tăng tiêu chuẩn chất lượng của các tin liên quan dưới các đường link trong News Feed.
Bên cạnh đó là các kế hoạch cắt giảm lợi nhuận quảng cáo của các website loan tin giả, đồng thời lắng nghe giới báo chí chính thống để học hỏi kinh nghiệm cuả họ trong việc phát hiện tin vịt hiện nay.
Tháng 12/2016, sau khi Facebook bị chỉ trích kịch liệt vì góp phần tuyên truyền nhiều thông tin sai lầm trong suốt cuộc bầu cử Mỹ. Facebook bắt đầu thử nghiệm từ một nhóm nhỏ người dùng tại Mỹ khi giúp báo cáo tin giả mạo hay gây nhầm lẫn dễ hơn. Sau khi bên thứ ba kiểm tra và xác nhận đúng là tin xuyên tạc, nó sẽ bị dán nhãn và giáng cấp trên News Feed.
Một đại diện mạng xã hội cho biết công ty cũng sử dụng các biện pháp khác như thuật toán để nhận diện câu chuyện đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội có chính xác hay không.
Nếu không, nó sẽ bị đánh dấu giả mạo và chôn vùi trên bảng tin của mọi người. Một nhóm các chuyên gia của Facebook cũng đánh giá tên miền website, gửi những trang có vẻ là giả mạo hoặc lừa đảo tới bên thứ ba.
Cũng trong tháng đó, Facebook có vẻ như đang thử nghiệm phương pháp mới để đánh giá chất lượng tin tức. Theo đó, dưới các bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội này, Facebook sẽ đưa ra một khảo sát (survey) để hỏi ý kiến người dùng rằng liệu tiêu đề bài viết có đang "sử dụng ngôn ngữ lừa đảo" hay "che giấu các chi tiết chính của câu chuyện", hay không.
Tới tháng 3/2017 Facebook tung ra Tính năng đánh dấu nội dung gây bàn cãi trong nỗ lực chống lại tin tức giả mạo lan tràn trên mạng xã hội. Cụ thể, vài người khi định chia sẻ câu chuyện bị nghi là giả mạo đã nhìn thấy cảnh báo cho biết bài viết được Snopes.com và hãng tin AP đưa vào diện tranh cãi. Bấm vào cảnh báo hiện ra cửa sổ với nhiều thông tin hơn.
“Đôi khi mọi người chia sẻ tin giả mạo mà không hay biết. Khi các bên kiểm tra tính xác thực độc lập tranh luận về nội dung này, bạn có thể ghé thăm website của họ để tìm hiểu vì sao”, cửa sổ này viết.
Ngay sau đó, tháng 4/2017 Facebook cùng nhiều công ty công nghệ rót 14 triệu USD cho dự án chống tin giả Sáng kiến News Integrity Initiative sẽ khởi động với 14 triệu USD từ Facebook, Quỹ Ford, Mozilla và các tổ chức khác, đặt trụ sở tại học viện báo chí của Đại học New York (CUNY), với nhiệm vụ điều phối các nghiên cứu, dự án và sự kiện.
Nỗ lực của Facebook gần như là không ngừng nghỉ và gần đây nhất, công ty này vừa đưa ra hướng dẫn cách nhận biết tin giả mạo
Facebook hi vọng với các mẹo mới, mọi người sẽ quyết định đúng đắn nên đọc, tin và chia sẻ tin tức nào. Điểm đáng chú ý trong thông báo của mạng là thuật ngữ “tin sai sự thật” (false news) thay vì “tin giả mạo” (fake news). Bạn có thể tìm hiểu kỹ về 10 mẹo phát hiện tin giả mạo tại đây.
Dù Facebook mới là "đầu tàu" hứng chịu các búa rìu dư luận về việc để tin giả lan truyền, thế nhưng người ta phát hiện ra Google cũng để lọt rất nhiều tin tức giả mạo trên các trang của mình.
11/2016, trong tuyên bố gửi tới Reuters, phát nghôn viên của Google cho biết: “Chúng tôi sẽ cấm quảng cáo trên các trang có thông tin xuyên tạc, sai lệch và che giấu thông tin về nhà xuất bản, nội dung của nhà xuất bản hoặc mục đích chính của trang web đó”.
Chính sách cũng được áp dụng cho các trang tin tức giả mạo, vị phát ngôn viên này xác nhận. Google trước đó đã cấm các trang quảng cáo video, hình ảnh bạo lực, khiêu dâm và gây thù hận sử dụng chương trình AdSense.
Ngay sau khi bị chỉ trích vì hiển thị tin giả mạo lên đầu kết quả tìm kiếm, Google đã loại bỏ mục “In the news” (tin tức) trên desktop và thay bằng “Top stories” (tin bài hàng đầu) giống phiên bản di động. Động thái được kỳ vọng sẽ vạch ra ranh giới rõ ràng hơn giữa Google News với Google Search.
Google News chỉ hiển thị bài báo của các ấn phẩm được phê duyệt bởi một hội đồng, trong khi mục In the news trong Google Search lại tập hợp tất cả các câu chuyện mới trên mạng, không chỉ giới hạn trong các trang của Google News.
Đến tháng 4/2017, Google bắt đầu giới thiệu các thông tin phong phú hơn từ các trang kiểm tra tính xác thực như PolitiFact và Snopes, khi chúng hiển thị trong tìm kiếm và tin tức trên thế giới.
Các trang này sẽ được hiển thị thông tin phong phú trên Google, trong đó bao gồm chú thích rằng một thông tin nào đó đã được đánh giá là đúng, sai, hoặc ở một mức giữa 2 mốc này. Tuy nhiên, thứ hạng tìm kiếm của các trang kiểm chứng sự thật sẽ không được ưu tiên, và chúng cũng không được ưu tiên nằm trên top đầu của kết quả tìm kiếm.
Vì vậy, dù sự thay đổi của Google sẽ giúp các trang web kiểm tra sự thật nổi bật và có cơ hội tiếp cận người dùng tốt hơn, nhưng nó không trực tiếp giúp chống lại việc kẻ xấu sử dụng nền tảng của Google để truyền bá những câu chuyện sai lệch.
Những thay đổi đó có thể giúp thúc đẩy mọi người hướng tới thông tin chính xác hơn, tuy nhiên, chúng không giúp khắc phục vấn đề bằng cách làm nổi bật những kết quả đến từ các trang kiểm tra tính xác thực tin tức, khi các trang này xuất hiện trên Google. Không như Facebook, Google không hợp tác với chỉ một nhóm nhỏ các tổ chức kiểm tra tin giả được chọn sẵn từ trước.
Thay vào đó, hãng cho phép bất kỳ tổ chức nào cung cấp các thông tin phong phú, miễn là trang web thêm một số mã (code) vào website của mình. Google không hiển thị thông tin từ các trang cho rằng chúng kiểm tra được tính xác thực của tin.
Thay vào đó, "chỉ các nhà xuất bản được thuật toán xác định là nguồn tin có thẩm quyền sẽ có đủ điều kiện để được hiển thị" - công ty cho biết trên blog, dù vậy, hãng tìm kiếm không nói rõ quy trình xác định sẽ được thực hiện như thế nào.
Chắc chắn đây sẽ không phải là những động thái cuối cùng của Google và Facebook nhằm hạn chế tin giả. Tin giả ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín mà thậm chí còn ảnh hưởng tới túi tiền của cả hai công ty.
Chắc chắn trong tương lai, chúng ta còn được chứng kiến nhiều nỗ lực hơn nữa cả hai gã khổng lồ Internet nhằm giảm lượng tin giả, đem đến cho người dùng những nền tảng đáng tin cậy.