Tờ USNI News dẫn lời Phó chủ tịch Boeing Steve Wade cho biết, Hải quân Mỹ đang được tiếp nhận phiên bản mới nhất của tiêm kích hạm F/A-18 với định danh Block III Super Hornet.
Điểm làm nên sự sự khác biệt của bản Block III Super Hornet theo tiết lộ của ông Steve Wade là chúng được nâng cấp khung thân giúp tăng tuổi thọ lên 10.000 giờ bay, thùng dầu phụ giúp tăng phạm vi chiến đấu, các hệ thống điện tử hàng không và cảm biến mới giúp máy bay có thể điều khiển được máy bay không người lái hoặc kết hợp tác chiến với tiêm kích tàng hình F-35C để đối phó với Su-57 của Nga.
Trong gói nâng cấp F/A-18 lên chuẩn Block III, hãng Lockheed Martin phụ trách nâng cấp hệ thống cảm biến IRST21. Hệ thống cảm biến hồng ngoại này sẽ kết hợp cùng với hệ thống ngắm-trinh sát Legion pod cho phép máy bay phát hiện và theo dõi chính xác mục tiêu.
Không giống như các hệ thống radar, IRST21 là một hệ thống thụ động, chúng không phát ra sóng vô tuyến khiến đối thủ rất khó phát hiện.
Đặc biệt, việc trang bị IRST21 nhằm nâng cao khả năng phát hiện những chiến đấu cơ thế hệ 5 Su-57 của Nga ở khoảng cách an toàn.
Giới quân sự Mỹ cho rằng, để chống lại những công nghệ mới của Liên bang Nga thì hệ thống cảm biến IRST21 mới cần phải phát hiện mục tiêu ở khoảng cách mà đảm bảo cho phi đội và nhóm tàu trên biển của Mỹ đủ thời gian triển khai biện pháp đối phó.
Hiện Hải quân Mỹ có kế hoạch kết hợp F/A-18 Block III với máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm F-35C. Việc tích hợp bộ cảm biến trên F/A-18E/F mới được cho là sẽ dễ dàng hơn nếu trang bị chúng cho F-35. Ngoài ra, F/A-18 còn được sử dụng như một lá chắn chống lại Su-57.
Một số chuyên gia cho rằng, việc Mỹ chọn phiên bản mới của F/A-18 chứ không phải F-35 để đối phó với tiêm kích thế hệ 5 của đối thủ cho thấy nhiều điều. Trong đó, Washington đang thiếu tin tưởng vào F-35 và lo lắng về sự xuất hiện của Su-57 và họ bắt đầu tìm mọi cách để đối phó với chúng.
Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ những tính năng của Su-57 sau đó hiện đại hóa, nâng cấp những hệ thống cần thiết để hạn chế khả năng của dòng máy bay tàng hình Nga, đặc biệt dòng tiêm kích này đã thực chiến hiệu quả trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trong cuộc phỏng vấn trên kênh Rossiya-1 cho hay tiêm kích tàng hình Su-57 đã thể hiện được khả năng tự vệ cao trước nhiều hệ thống phòng không và tên lửa đối phương khi tham chiến tại Ukraine.
"Điều quan trọng nhất là Su-57 có các vũ khí rất mạnh. Chúng tôi đã thử nghiệm những vũ khí đó, tất cả đều hoạt động một cách tuyệt vời, không còn lời nào khác để mô tả", ông Shoigu nói thêm.
Hồi cuối năm 2022, Tập đoàn nhà nước Rostec cho biết, Nga đang tăng tốc sản xuất tiêm kích Su-57. Lô máy bay mới sẽ sớm được chuyển giao cho Lực lượng hàng không vũ trụ Nga.
"Su-57 đang ở trạng thái sẵn sàng cao và các máy bay này sẽ được chuyển cho Lực lượng hàng không vũ trụ Nga trong năm nay", Giám đốc Rostec, ông Sergei Chemezov cho biết.