Mỹ bắt đầu chuyển Reaper tới Ba Lan, áp sát điểm nóng

GD&TĐ -Việc máy bay tấn công không người lái (UCAV) MQ-9A Reaper đến Ba Lan được coi là mối đe dọa nhằm vào Nga.

Máy bay tấn công không người lái MQ-9A Reaper.
Máy bay tấn công không người lái MQ-9A Reaper.

Trong một tuyên bố hôm 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, ông Mariusz Blaszczak cho biết, phi đội MQ-9A Reaper do Mỹ sản xuất đã bắt đầu đến quốc gia Baltic này.

"Máy bay MQ-9A Reaper đã bắt đầu được chuyển đến Ba Lan. Đây là phương tiện được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ ở độ cao trung bình và hoạt động trong thời gian dài", ông Mariusz Blaszczak tuyên bố.

Nói về mục đích sử dụng MQ-9A, Bộ trưởng Mariusz Blaszczak tuyên bố: "Chúng sẽ được đưa vào sử dụng trong lực lượng Không quân Ba Lan để thực hiện loạt nhiệm vụ, đặc biệt là trinh sát ở biên giới phía đông của Đất nước".

Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, dù tuyên bố MQ-9A được dùng chính cho nhiệm vụ trinh sát nhưng khi đến Ba Lan, những chiếc UCAV hạng nặng này vẫn mang đầy đủ các mấu treo vũ khí bên dưới hai bên cánh. Và chính điều này đang khiến giới quân sự Nga lo ngại.

Thông tấn Nga cho biết thêm, MQ-9A có thể hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ: vẽ địa hình và chuyển lên bản đồ quân sự, chụp ảnh chất lượng cao, quan sát trong bóng tối, đo khoảng cách đến các vật thể trên mặt đất và nếu cần, dẫn đường cho bất kỳ loại đạn nào có độ chính xác cao Mỹ và Ba Lan đang có sẵn.

Khi nạp đầy nhiên liệu, chiếc UCAV có thể bay lên độ cao 15.000m, tầm hoạt động 6.000km hoặc có thể bay liên tục trên không hơn một ngày.

Với đặc điểm của MQ-9A, chưa khi nào người Mỹ đơn thuần sử dụng chúng như một phương tiện trinh sát. Đặc biệt khi MQ-9A vẫn mang đầy đủ mấu treo vũ khí khi đến Ba Lan.

Những vũ khí dòng UCAV hạng nặng này có thể mang từ tên lửa AGM-114 Hellfire không đối đất, bom GB-12 Paveway II dẫn đường bằng laser và bom thả tự do JDAM (Join Direct Attack Munitions) dẫn đường bằng GPS - có thể tấn công mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết với độ chính xác cao.

Trong thực tế chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, Quân đội Mỹ thường sử dụng MQ-9A để phóng Hellfire và cặp đôi này đã chứng minh rằng chúng có thể thực hiện đòn tấn công chính xác không thua kém máy bay chiến đấu có người lái. Và quan trọng nhất không có rủi ro thiệt hại nhân sự cho bên vận hành.

Hiện Reaper là máy bay không người lái trinh sát - tấn công chính trong Không quân Mỹ. Công ty General Atomics Aeronautical Systems thuộc tập đoàn General Dynamics đã phát triển dựa trên MQ-1 Predator huyền thoại (Kẻ săn mồi).

Thông tấn Nga cho rằng, một phi đội MQ-9A Reaper ở Ba Lan sẽ không gây ra mối đe dọa đáng kể cho an ninh của Nga, nhưng cũng không tốt lành gì cho tình hình trong khu vực. Trước hết, đối với mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và NATO.

"Đây là một mục tiêu khó nhằn cho các hệ thống phòng không, do diện tích bề mặt phản chiếu nhỏ, tốc độ thấp. Khá khó khăn để phát hiện và theo dõi một thiết bị bay như vậy, đặc biệt là ở độ cao thấp.

Nhưng nếu chúng vi phạm biên giới nhà nước Nga hoặc thực hiện các hoạt động chiến đấu thực sự, tôi nghĩ thế lực vận hành MQ-9A Reaper sẽ sớm biết điều tồi tệ gì đến với họ", chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodaryon nói.

Một chuyên gia quân sự khác của Nga là Viktor Murakhovsky cũng có quan điểm tương tự.

Ông lưu ý những chuyến bay MQ-9A từ Ba Lan dường như không thể bổ sung chất lượng công việc của máy bay trinh sát NATO ở khu vực biên giới phía tây nước Nga, nơi thường xuyên hoạt động UAV trinh sát chiến lược Global Hawk từ căn cứ không quân Sicily, máy bay trinh sát RC-135 và máy bay tuần tiễu Orion.

Theo các chuyên gia, một phi đội UAV trong Không quân Mỹ biên chế không quá hai chục chiếc. Lực lượng này không lớn, nhưng vấn đề ở đây không phải về số lượng thiết bị quân sự của NATO, mà là thực tế chúng tiếp cận gần biên giới Nga, và đó được coi là một hành động không thân thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ