F1 được đến trường: Thực hiện cần linh hoạt

GD&TĐ - Việc TPHCM cho phép giáo viên, học sinh là F1 đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được đi làm, học tập đã giúp giảm tải được áp lực thiếu giáo viên cho các cơ sở giáo dục.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp.
Học sinh Trường THCS Lương Định Của rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp.

Tuy nhiên, các trường cũng cần linh hoạt trong việc thực hiện quy định mới này.

Giảm áp lực cho nhà trường

Cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) cảm thấy vui mừng khi TPHCM ban hành quy định cho phép giáo viên, học sinh là F1 được đi dạy và đi học. Bởi theo cô, Chính phủ đang nỗ lực bao phủ vắc-xin để miễn dịch cộng đồng, nước ta “trở lại cuộc sống bình thường trong tình hình mới” và TPHCM là địa phương đi đầu trong vấn đề này thì việc F1 được đến trường là phù hợp xu thế.

Thực tế, Trường THCS Lương Định Của thời gian qua gặp phải không ít khó khăn khi F0, F1 biến động liên tục. Bởi theo quy định trước đây, học sinh, giáo viên là F1 phải cách ly tại nhà 5 ngày. Trong khi đó có nhiều trường hợp, học sinh mới đi học lại được 1, 2 ngày thì hôm sau tiếp tục có tên trong danh sách F1. Cứ như vậy, hết đợt này đến đợt khác, lớp học liên tục bị xáo trộn. Tình trạng đó gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Chỉ tính riêng từ ngày 21/3 - 24/3, Trường THCS Lương Định Của đã có 5 giáo viên và 50 học sinh F1 không đến trường.

“Với học sinh F1, các em không tiếp thu kiến thức trực tiếp thông qua bài giảng của giáo viên mà chỉ có thể tìm hiểu bài học thông qua nội dung được giáo viên cập nhật trên Hệ thống K12Online. Kết quả học tập của học sinh không cao, ảnh hưởng rất lớn đến các bài kiểm tra, kết quả học tập cuối năm, trong khi các học sinh F1 hầu hết đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Chính vì thế, quyết định cho giáo viên và học sinh là F1 được đến trường rất kịp thời, góp phần giảm tải được áp lực cho nhà trường. Từ đó nhà trường bảo đảm hiệu quả dạy học, góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục đã đề ra”, cô Hiếu phấn khởi nói.

Cô Hiếu cho biết: Việc thực hiện cách ly y tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy tại nhà trường. Các giáo viên là F1 phải cách ly tại nhà sẽ ảnh hưởng đến giờ học của học sinh. Nhà trường cũng bị động trong công tác điều phối giáo viên hỗ trợ giảng dạy, đặc biệt là những bộ môn có nhiều tiết mà số giáo viên biên chế lại vừa đủ.

Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhờ việc bố trí phòng học 2 chức năng ở từng  khối lớp, do đó học sinh F0, F1... đều được đảm bảo chương trình học tập tại phòng học này.

Tuy nhiên, theo thầy Trương Vĩnh Khoa - Hiệu trưởng nhà trường, do điều kiện chỉ bố trí 1 phòng cho mỗi khối lớp nên khi các em F0, F1 phải chuyển đổi và tham gia lớp học, trong đó có  số học sinh khi học ở lớp đã học qua bài hoặc chưa học tới bài ở lớp học trực tuyến đang học sẽ xảy ra tình trạng học lại bài cũ hoặc học vượt bài mới quá nhiều. Ngoài ra, sau khi trở lại trường, tham gia lại lớp học cũ các em cũng gặp một số khó khăn theo kịp bài vở của lớp học mình, một số em thiếu một vài tiết học... cũng gây áp lực cho thầy và trò.

Quy định giáo viên là F1 được đi dạy góp phần giảm áp lực về thiếu giáo viên cho các trường học.
Quy định giáo viên là F1 được đi dạy góp phần giảm áp lực về thiếu giáo viên cho các trường học.

Linh hoạt trong thực hiện

Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) chia sẻ: Thời gian qua, số lượng giáo viên và học sinh F0, F1 biến động liên tục, nhất là đội ngũ giáo viên, khiến nhà trường không có giáo viên thay thế. Thầy cô trong các tổ vất vả khi phải hỗ trợ dạy bù. Trong khi đó việc xác định đối tượng F1 đối với học sinh rất khó khăn. Bởi nếu ngoài tiếp xúc trong trường học, nhiều em còn khai báo tiếp xúc nhiều nguồn khác nhau.

“Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ trong gần 2 tháng qua khi học sinh đi học trở lại, nếu trong lớp xuất hiện F0, nhà trường cho toàn bộ F1 nghỉ 5 ngày. Trong khi đó nhiều học sinh là F1 lợi dụng quy định cách ly cứ hết 5 ngày lại báo tiếp xúc với F0 bên ngoài để được nghỉ tiếp 5 ngày nên rất khó khăn cho nhà trường trong công tác quản lý, dạy học”, thầy Đảo chia sẻ.

Thời gian qua, việc giải quyết cho F1 nghỉ 5 ngày không chỉ riêng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ mà các trường khác có nhiều bất cập. Cụ thể, hàng ngày bộ phận y tế sẽ phải cập nhập danh sách học sinh hết 5 ngày cách ly để báo cho giáo viên chủ nhiệm. Sau đó giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh test nhanh báo kết quả để trở lại trường học tập. “Trên thực tế tại trường, nhiều học sinh và giáo viên F0 của trường có triệu chứng rất nhẹ, giống như bệnh cảm cúm, chỉ vài ngày là khoẻ. Vậy việc các em học sinh F1 đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn đi học bình thường là hợp lý”, thầy Đảo bày tỏ.

Tuy nhiên, thầy Đảo cũng cho biết: Nhà trường sẽ linh hoạt trong việc thực hiện quy định học sinh và giáo viên F1 được đi làm, đi học. Bởi trên thực tế có thầy cô là F1 của F0 trong gia đình, họ phải chăm sóc người thân. Vì thế, có thể những giáo viên này không thể đến lớp được nên nhà trường, tổ chuyên môn hỗ trợ, giải quyết cân bằng có lý, có tình. Nếu áp dụng quá cứng nhắc quy định giáo viên F1 phải đến lớp, có thể xảy ra tình huống thầy cô đi dạy mà trong lòng lo lắng, việc dạy cũng không hiệu quả.

Còn đối với học sinh F1 đến trường, nhà trường sẽ theo dõi và nhắc nhở các em hạn chế tiếp xúc. Với những em là F1 của người thân trong gia đình thì phải cam kết thực hiện đúng quy định về khoảng cách, không tiếp xúc gần với F0 khi ở nhà… Bởi nếu không tuân thủ có thể các em có thể từ F1 trở thành F0, gây ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp.

“Với những trường hợp gia đình học sinh F1 không thể bảo đảm, thầy cô vẫn cho học sinh ở nhà và tham gia tiết học trực tuyến. Hiện, nhà trường vẫn duy trì tốt hai hình thức học tập trực tiếp và trực tuyến để đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp như hiện nay”, thầy Đảo cho hay.

Sáng 24/3, UBND TPHCM có văn bản về việc F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng ba tháng được đi làm, đi học. Địa phương này cũng yêu cầu các trường hợp này phải chấp hành nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần cuối cùng với F0, thực hiện test nhanh vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19. Các F1 sẽ di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ nơi lưu trú đến nơi làm việc, học tập, thực hiện phòng chống dịch như thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không dùng chung vật dụng cá nhân trong quá trình sinh hoạt, làm việc, học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ