F-16 sẵn sàng đến Ankara sau tuyên bố nóng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Theo báo cáo của CRS, Mỹ sẵn sàng bán tiêm kích F-16 cùng vũ khí và trang thiết bị đi kèm cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiêm kích F-16.
Tiêm kích F-16.

Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội (CRS) Mỹ cho biết, Chính quyền của Tổng thống Biden ủng hộ khả năng bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và đã tham vấn Quốc hội về vấn đề này.

Chính quyền đã thông báo không chính thức cho Quốc hội về kế hoạch bán cho Ankara 40 chiếc F-16 mới trong cấu hình Block 70/72 Viper (F-16V) và các gói nâng cấp Viper cho 79 máy bay chiến đấu hiện có, cùng với 900 tên lửa không đối không và 800 quả bom.

Cũng theo báo cáo của CRS, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1952, sự hợp tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã định hình mối quan hệ của hai nước. Tuy nhiên, bản báo cáo không nói rõ khi nào F-16 sẽ chính thức được bán cho Ankara.

Sẽ không có gì đặc biệt trong thông điệp Mỹ sẵn sàng bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu trước đó Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không tuyên bố, Ankara sẽ không chờ đợi máy bay phản lực F-16 và F-35 mà muốn nhận lại số tiền 1,4 tỷ USD đã đặt cọc cho phía Mỹ khi ký hợp đồng mua F-35.

"Chúng tôi muốn Mỹ ngay lập tức trả lại số tiền mà chúng tôi đã thanh toán một phần cho hợp đồng trước đó. Chúng tôi đang tự phát triển chiến đấu cơ cho mình mà không chờ đợi cái gật đầu đồng ý để Ankara trở lại chương trình F-35 của Mỹ", ông Cavusoglu nói.

Cũng theo ông Cavusoglu, nước này đã thanh toán trước một phần hợp đồng thương vụ F-35 cho phía Mỹ với số tiền lên tới 1,4 tỷ USD. Nhưng Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 sau khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Sau đó, Ankara đã nhận được lời đề nghị của Mỹ dùng chiến đấu cơ F-16 thế chỗ chương trình F-35. Nhưng đến nay, cả F-16 Mỹ cũng không muốn chuyển giao. Đây chính là lý do Ankara phải tự lo cho mình khi đẩy nhanh phát triển tiêm kích tàng hình TF-X.

Theo giới chuyên gia, nếu Mỹ hiện thực hóa kế hoạch bán hàng của mình, Không quân Thổ Nhĩ kỳ sẽ được tiếp nhận phiên bản tối tân nhất trong dòng tiêm kích F-16 huyền thoại.

Bởi F-16 Block 70 là các phi cơ sản xuất mới hoàn toàn, sử dụng động cơ F110 của General Electric, với cấu hình dựa trên gói nâng cấp F-16V Viper được Lockheed Martin phát triển cho khách hàng biên chế dòng F-16 trước đó.

Điểm nổi bật nhất của biến thể này là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83, sử dụng nhiều công nghệ từ radar tiêm kích F-22 và F-35. Tính năng cụ thể của loại radar này không được công bố, nhưng nó có tầm hoạt động, tốc độ quét và số lượng mục tiêu theo dõi cùng lúc vượt trội so với radar trên tiêm kích F-16 đời cũ.

Phi công được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay (JHMCS), tăng uy lực cho tên lửa tầm nhiệt AIM-9X nhờ khả năng khóa và tấn công mục tiêu theo hướng nhìn của phi công, thay vì phải chờ máy bay hướng mũi về phía đối phương.

Ngoài vũ khí đối không hiện đại như tên lửa tầm trung AIM-120C AMRAAM và tầm ngắn AIM-9X, tiêm kích F-16 Block 70 cũng có thể mang nhiều khí tài tiến công như tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon, diệt radar AGM-88 HARM, tên lửa đối đất AGM-65 Maverick và bom dẫn đường laser GBU-12.

Phiên bản F-16 Block 70 được trang bị buồng lái kính tiên tiến với hệ thống điện tử và máy tính điều khiển hiện đại. Các đồng hồ cơ khí được thay bằng màn hình đa chức năng, cùng một màn hình hiển thị độ nét cao cỡ lớn (CPD) ở giữa hai đầu gối phi công.

CPD tăng khả năng nhận thức tình huống của phi công bằng cách hiển thị thông số kỹ thuật và dữ liệu tác chiến theo thời gian thực. Đường truyền dữ liệu Link 16 cho phép các tiêm kích F-16 Block 70 kết nối với nhau, hoặc đồng bộ dữ liệu với đồng minh trong những chiến dịch quy mô lớn.

F-16 Block 70 trang bị máy tính hiệu suất cao với thiết kế module thay cho ba máy tính điều khiển cồng kềnh của phiên bản F-16 đời cũ. Thiết kế này tăng cường đáng kể năng lực tính toán, xử lý dữ liệu từ các cảm biến và vũ khí, đồng thời giảm bớt khối lượng cho máy bay.

Phi cơ cũng được lắp thiết bị định vị vệ tinh cùng Hệ thống phòng chống va chạm mặt đất tự động (AGCAS), giúp cảnh báo phi công khi máy bay sắp lao xuống đất hoặc tự động điều chỉnh đường bay khi người điều khiển bất tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.
Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.