Ankara nói thẳng khi Mỹ yêu cầu chuyển S-400 cho Kiev

GD&TĐ -Để tăng cường khả năng đánh chặn cho Ukraine, Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao những hệ thống S-400 cho Kiev.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối yêu cầu của Mỹ chuyển S-400 cho Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối yêu cầu của Mỹ chuyển S-400 cho Ukraine.

Thông tin bất ngờ được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Haberturk hôm 7/5, Mỹ đã yêu cầu Ankara chuyển giao hệ thống phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất cho Ukraine nhưng đã bị từ chối.

"Có một đề xuất từ Mỹ về hệ thống S-400 rằng hãy giao cho chúng tôi hoặc đối tác thân thiện của chúng tôi là Ukraine kiểm soát S-400.

Câu trả lời của Thổ Nhĩ Kỳ với đề xuất đó rất rõ ràng: Điều đó không thể xảy ra bởi Ankara mua S-400 để tăng cường khả năng phòng thủ cho đất nước", ông Mevlut Cavusoglu nói với Haberturk.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhận được phần đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào năm 2019. Ngay sau đó, Ankara đã bị Mỹ đơn phương tuyên bố loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35, với lý do F-35 không thể cùng tồn tại với bộ sưu tập tình báo của Nga tồn tại trên S-400.

Đến năm 2020, căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ lên mức mới khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Không chuyển giao F-35 nhưng Mỹ cũng không trả lại số tiền 1,4 tỷ USD mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt cọc khi ký hợp đồng mua F-35.

Dù tiết lộ về đề xuất bất ngờ của Mỹ với những hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ông Mevlut Cavusoglu không cho biết thời điểm Mỹ đưa ra đề xuất đặc biệt này.

Không nhận được S-400, phương Tây đã có cách tăng sức mạnh đánh chặn cho Ukraine bằng những tổ hợp Patriot.

Theo xác nhận của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Reznikov, hệ thống Patriot chính thức đến tay Kiev hôm 19/4: "Ngày hôm nay bầu trời Ukraine xinh đẹp của chúng ta trở nên an toàn hơn vì hệ thống phòng không Patriot do phương Tây cung cấp đã đến Ukraine".

Tổ hợp Patriot Ukraine được tiếp nhận từ Đức chứ không phải do Mỹ cung cấp. Theo bộ trưởng Reznikov, khẩu đội này bao gồm 8 bệ phóng được nạp 4 tên lửa mỗi bệ.

Những bệ phóng này là sự kết hợp giữa những tên lửa đánh chặn đạn đạo có tầm bắn từ 30 - 60km và tên lửa đánh chặn với đầu đạn phân mảnh để đối phó với nhiều loại mục tiêu khác có tầm bắn hiệu quả tới 160km.

Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà Washington từng chuyển cho Kiev.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, với hàng loạt vấn đề vũ khí này gặp phải khi thực chiến trên khắp các chiến trường cho thấy, giữa kỳ vọng và khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong thực tế là một khoảng cách.

Ví dụ, radar đa chức năng Patriot AN/MPQ-53 có khả năng tìm kiếm khá thấp. Tính năng này không chỉ có ở hệ thống Patriot mà còn ở radar dẫn đường và chiếu sáng mục tiêu cũng như radar đa chức năng của hệ thống phòng thủ tên lửa S-300.

Trong các hệ thống của Nga, thiếu sót này được bù đắp bằng cách cung cấp cho các sư đoàn tên lửa phòng không S-300 và S-400 các đầu dò tầm thấp loại 5N66M hoặc đầu dò tầm cao loại 96L6E.

Ngoài ra, các tổ hợp tên lửa phòng không nhận chỉ thị mục tiêu không tìm kiếm từ các sở chỉ huy hệ thống được trang bị radar phát hiện (RLO 64N6, S-300) hoặc tổ hợp radar (RLK 91N6E, S-400).

Do đó, nếu được triển khai gần Kiev, hệ thống tên lửa Patriot sẽ phải được cung cấp thêm khả năng tìm kiếm và nhắm mục tiêu. Việc lấy dữ liệu từ máy bay E-3 Sentry, một tùy chọn được một số chuyên gia đề cập, sẽ không đặc biệt hữu ích vì điều đó có nghĩa là một số lượng nhất định máy bay E-3 sẽ phải được tái sắp xếp tới các sân bay Ukraine.

Trong khi đó, không có khả năng Mỹ và các đồng minh sẽ đồng ý với điều này. Theo chuyên gia nguyên lãnh đạo Cơ quan Phòng thủ tên lửa Israel, Uzi Rubin, các tổ hợp Patriot không phù hợp để đánh chặn tầm thấp, trong khi mối nguy hiểm từ vũ khí Nga hiện Ukraine đang gặp phải chủ yếu đến từ tầm thấp.

Với mục tiêu bay bay thấp phải cần các tổ hợp phòng không tầm thấp có khả năng cơ động kiểu như Pantsir-S1 của Nga. Sự kết hợp hỏa lực giữa pháo 30mm, tên lửa phòng không tầm ngắn và hệ thống cảm biến quang-điện tử giúp chúng phản ứng tức thì khi với các mục tiêu bay tiếp cận.

Hiệu quả của vũ khí phòng không dạng này đã được chứng minh tại Syria. Ông Rubin nhấn mạnh, đây chính là nguyên nhân khiến hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia với hàng loạt tổ hợp Patriot vẫn không chặn được cuộc tấn công của phiến quân tại Yemen bằng tên lửa hành trình và UAV vào nhà máy Aramco hồi năm 2019.

Trong khi hiệu quả của Patriot tại Ukraine còn đang là dấu hỏi thì một số lãnh đạo quân đội nước này đã gây bất ngờ khi tuyên bố, Patriot đã lần đầu đánh chặn thành công tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga trên bầu trời Kiev rạng sáng 4/5.

Nga chưa lên tiếng về thông tin Kinzhal bị đánh chặn nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì Đại tá Yuri Ignat, phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine sau đó đã nhanh chóng phủ nhận khi nói rằng, Kinzhal bị Kiev đánh chặn là thông tin thiếu chính xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ