European Super League ra đời: “Nổi loạn” khó thành…

GD&TĐ - 12 CLB lớn ở châu Âu đã tuyên bố chính thức thành lập siêu giải đấu European Super League.

Man Utd nằm trong nhóm đội bóng sẵn sàng sáng lập European Super League.
Man Utd nằm trong nhóm đội bóng sẵn sàng sáng lập European Super League.

Ngay lập tức, LĐBĐ châu Âu (UEFA) đe dọa cấm thi đấu ngay lập tức với các CLB sáng lập ở Champions League và Europa League mùa này.

“Bom tấn” đã nổ

Sau những đồn đoán, Super League châu Âu đã được thành lập với 12 đội bóng đại gia tham dự, bao gồm 6 CLB Anh: Liverpool, Chelsea, Man Utd, Man City, Arsenal và Tottenham; 3 CLB của Tây Ban Nha: Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid; 3 CLB của Ý, gồm:

Juventus, AC Milan và Inter Milan. Bản thông báo thành lập Super League được tất cả các CLB tham gia đăng tải vào rạng sáng 19/4 cho biết: “12 CLB châu Âu đã ngồi lại với nhau và quyết định thông báo họ đã đồng ý thành lập một giải đấu mới vào giữa tuần - Super League.

Liverpool, Chelsea, Man Utd, Man City, Arsenal, Tottenham, Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Juventus, AC Milan và Inter Milan đều tham gia với tư cách CLB sáng lập.

Dự kiến sẽ có thêm 3 CLB nữa tham gia giải đấu trước khi mùa giải đầu tiên khai mạc. Giải đấu sẽ bắt đầu càng sớm càng tốt. Trong tương lai, các CLB sáng lập mong muốn tổ chức các cuộc thảo luận với UEFA và LĐBĐ thế giới (FIFA) để cùng nhau hợp tác nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho giải đấu mới cũng như bóng đá nói chung”.

Super League cũng nhanh chóng xác định được ban lãnh đạo. Đứng đầu là Chủ tịch Real Madrid, Flo Perez. Sau ông là hai Phó Chủ tịch Andrea Agnelli (Chủ tịch Juventus) và Joel Glazer (đồng sở hữu Man Utd).

Super League sẽ thi đấu vào giữa tuần bắt đầu từ tháng 8 và cam kết không gây ảnh hưởng đến các giải vô địch quốc gia lớn. Đáng chú ý, 2 đội bóng lớn nhất nước Đức là Bayern

Munich và Borussia Dortmund chưa tham gia giải đấu này. PSG của Pháp cũng vậy. Có thể thấy rõ Super League nhắm vào việc phế truất Champions League của UEFA, đồng thời nó là hệ quả tất yếu của cuộc chiến dai dẳng giữa các CLB hàng đầu châu Âu và UEFA. Hai bên đã không tìm được tiếng nói chung về vấn đề tài chính.

Florentino Perez, Chủ tịch Real Madrid trở thành Chủ tịch đầu tiên của Super League.
Florentino Perez, Chủ tịch Real Madrid trở thành Chủ tịch đầu tiên của Super League.

Miếng bánh 5 tỷ euro

Trong những năm gần đây, nhóm “Các câu lạc bộ sáng lập” đã có mục tiêu nâng cao chất lượng và cường độ của các giải đấu châu Âu hiện có và tạo ra một thể thức cho các CLB và cầu thủ hàng đầu thi đấu thường xuyên hơn.

Đại dịch Covid-19 và những hệ lụy khôn lường dường như khiến các đội bóng “nổi loạn” thúc đẩy nhanh hơn lộ trình ra đời Super League, giải đấu được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ đẩy nhanh sự bất ổn trong mô hình kinh tế bóng đá châu Âu hiện tại.

Nhóm 12 CLB sáng lập tuyên bố, bóng đá châu Âu cần có tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận mới nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, đồng thời tạo dựng nền tảng tài chính công bằng, vững bền.

Họ tin rằng, các giải pháp được đề xuất sau các cuộc đàm phán xuất phát từ UEFA không giải quyết được các vấn đề cơ bản, bao gồm nhu cầu cung cấp các trận đấu chất lượng cao hơn và nguồn tài chính bổ sung. Super League cần phải ra đời. “Các trận đấu diễn ra vào giữa tuần và các đội vẫn chơi ở các giải quốc nội” – theo tuyên bố của nhóm sáng lập.

Vậy vấn đề tài chính của Super League được định lượng như thế nào, đến từ đầu? Theo báo chí châu Âu, kinh phí vận hành giải đấu lên tới 5 tỷ euro. Một công ty ngân hàng tại Mỹ sẽ hậu thuẫn tài chính cho giải. Chưa kể, theo dự tính, Super League nếu đi đúng hướng có thể đạt doanh thu trên 10 tỷ euro.  

Florentino Perez, Chủ tịch Real Madrid và là Chủ tịch đầu tiên của Super League, cho biết: “Chúng tôi sẽ giúp phát triển bóng đá ở mọi cấp độ và đưa nó lên vị trí xứng đáng trên thế giới. Bóng đá là môn thể thao toàn cầu duy nhất trên thế giới có hơn 4 tỷ người hâm mộ và trách nhiệm của chúng tôi với tư cách các câu lạc bộ lớn là đáp ứng mong muốn của họ”.

12 CLB đồng sáng lập European Super League.
12 CLB đồng sáng lập European Super League.

Joel Glazer, đồng Chủ tịch của Man United và là Phó Chủ tịch của Super League, cho biết, một tỷ phú người Mỹ cam kết: “Bằng cách tập hợp các câu lạc bộ và cầu thủ vĩ đại nhất thế giới thi đấu với nhau trong suốt mùa giải, Super League sẽ mở ra một chương mới cho bóng đá châu Âu, đảm bảo cơ sở vật chất và cạnh tranh đẳng cấp thế giới, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho bóng đá tốt hơn”.

Nhóm sáng lập Super League mong muốn được tổ chức các cuộc thảo luận với UEFA và FIFA để cùng nhau hợp tác nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho giải đấu mới và cho bóng đá nói chung.

Thực tế, 2 năm qua,  đại dịch Covid-19 ập đến làm thay đổi hoàn toàn đời sống xã hội cũng như bóng đá. Các giải đấu sau khi không thể hoãn, buộc phải tổ chức không khán giả nên doanh thu từ tiền bán vé của các đội gần như bằng không suốt hơn 1 năm qua.

Theo báo cáo của FIFA và ước tính của tổ chức này, doanh thu bóng đá trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới xấp xỉ 12 tỷ euro, riêng UEFA là khoảng 2 tỷ euro.

Nguồn thu từ bản quyền truyền hình, bán vé, kinh doanh và từ các giải đấu tham dự giảm do đại dịch Covid-19 khiến các đội bóng lâm vào thế khó.

Theo tính toán thì đội vô địch Champions League với số tiền kỷ lục như Liverpool ở mùa giải 2018 - 2019 cũng chỉ nhận được 111 triệu euro. Tổng số tiền thưởng ở Champions League cũng chỉ hơn 2 tỷ euro, trong khi những đội tham gia European Super League nhận ngay số tiền khoảng 330 triệu euro, tức gấp 3 lần đội vô địch Champions League. Nguồn thu khổng lồ khó có thể chối từ!

Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin đang đối mặt với bài toán khó khăn.
Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin đang đối mặt với bài toán khó khăn. 

Cuộc chiến nóng bỏng

Ngay sau thông báo của nhóm sáng lập Super League, UEFA và các liên đoàn thành viên đã lên tiếng phản đối. UEFA đe dọa cấm thi đấu ngay lập tức với các CLB sáng lập Super League ở Champions League và Europa League mùa này.

Nhiều chuyên gia bóng đá cũng phản đối kế hoạch thành lập Super League của 12 đội bóng đại gia nói trên, bởi lẽ nó sẽ phá hỏng tất cả các giải đấu còn lại, gây ảnh hưởng xấu đến số đông các CLB khác.

Nhiều liên đoàn bóng đá thành viên châu Âu cho rằng việc thành lập Super League là một nỗ lực thâu tóm quyền lực đáng lên án. Premier League đưa ra tuyên bố rằng một siêu giải đấu sẽ “phá hủy” sự cạnh tranh công bằng.

“Người hâm mộ của bất kỳ câu lạc bộ nào ở Anh và trên toàn châu Âu đều mơ rằng đội của họ có thể leo lên đỉnh cao và thi đấu với những người giỏi nhất” - tuyên bố cho biết:  “Chúng tôi tin rằng khái niệm về European Super League sẽ phá hủy giấc mơ này”.

Theo quy tắc L.9 của Premier League, các câu lạc bộ phải có “sự chấp thuận trước bằng văn bản của Hội đồng quản trị” nếu họ muốn tham gia bất kỳ giải nào khác ngoài Champions League, Europa League, FA Cup, FA Community Shield, Carabao Cup hoặc bất kỳ giải đấu nào khác.

Nếu không, họ sẽ bị xử phạt. Bất kỳ cầu thủ nào có câu lạc bộ đồng ý tham gia một cuộc thi không được cho phép sẽ có nguy cơ không được thi đấu trong bất kỳ cuộc thi nào của UEFA hoặc FIFA, bao gồm cả EURO và World Cup.

Hội đồng quan chức cấp cao của UEFA sẽ họp bàn tại Montreux (Thụy Sĩ) để tìm hướng giải quyết. Trước mắt, UEFA, FIFA, Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga cũng như Ligue 1 đều đã thống nhất: Không công nhận sự tồn tại của Super League. Những CLB tham dự Super League sẽ bị cấm hoàn toàn ở mọi giải đấu do UEFA, FIFA tổ chức, đồng thời không được tham dự tất cả các giải quốc nội.

FIFA luôn bày tỏ quan điểm duy nhất là “không chấp nhận” một giải đấu phá vỡ hệ thống các giải bóng đá châu Âu, nằm ngoài cấu trúc của các giải đấu quốc tế và không tôn trọng những nguyên tắc cơ bản nhất”, FIFA ủng hộ UEFA trong “cuộc chiến” chống lại Super League.

Tuy nhiên, FIFA cũng gửi đi thông điệp “cấm” chỉ là phương án cuối cùng và bất đắc dĩ trong việc giải quyết một vấn đề. Các bên liên quan, cụ thể là UEFA và nhóm sáng lập Super League  nên ngồi thảo luận, đàm phán trên tinh thần xây dựng để tìm ra hướng đi hợp lý nhất, có lợi cho tất cả.

Trong trường hợp mà European Super League được tổ chức và những câu lạc bộ tham gia giải đấu bị cấm tranh tài ở giải quốc nội, cầu thủ không được đá ở đội tuyển quốc gia thì đây là bi kịch của bóng đá châu Âu cũng như thế giới. Nếu Ngoại hạng Anh không có Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Tottenham và Arsenal thì giải đấu còn gì đáng xem? Nếu La Liga không có Barca, Real Madrid và Atletico Madrid thi đấu thì số phận của giải đấu sẽ ra sao?

European Super League chưa chính thức tổ chức, tương lai có diễn ra đúng kế hoạch như nhóm sáng lập không vẫn còn bỏ ngỏ. Song nó đang mang đến sức ép đủ lớn lên UEFA,  buộc tổ chức này phải thay đổi, nâng cao chất lượng giải đấu, tạo nguồn thu ổn định và phân chia công bằng.

Các bên sẽ còn phải ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra lối thoát,  tránh xung đột lợi ích đến mức phải đẩy nhau vào trận chiến một mất, một còn. 

Super League ra đời sẽ diễn ra vào giữa tuần, trùng với Champions League và Europa League. Do đó, số phận của 2 sân chơi danh giá nhất châu Âu mà UEFA tổ chức sẽ bị đặt dấu hỏi lớn. Super League quy tụ 15 đội bóng siêu cường ở châu Âu và 5 khách mời linh hoạt qua từng năm, chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ cũng như thu hút tài trợ, bản quyền truyền hình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ