Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, nỗ lực của EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đang khiến khối này rơi vào vòng luẩn quẩn vì không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào bên ngoài.
Theo đại diện của Moscow, chính sách trừng phạt về năng lượng của các nước Liên minh châu Âu (EU) đang nhằm vào Nga không thể làm thay đổi bản chất trong vấn đề năng lượng của khối này. Lý do là vì EU chỉ đang chuyển từ chỗ phụ thuộc vào khí đốt Nga trước đây sang phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho rằng EU đang cố tình không thừa nhận thực tế trên và khi trở nên quá phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Mỹ sẽ khiến EU chịu thiệt nhiều hơn trước, do phải mua với giá thành cao hơn so với mua năng lượng của Nga trước đây.
Nga từng nhiều lần cáo buộc Mỹ đang kiếm tiền bằng cách bán năng lượng với giá cắt cổ trong bối cảnh EU không còn lựa chọn khi phải cắt bỏ nguồn khí đốt mua từ Nga.
Tình thế khó khăn của EU đã diễn ra từ rất lâu trước khi mùa đông hiện nay xuất hiện. Bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, nguồn cung khí đốt của Nga cho một số nước EU đã bị gián đoạn vì các vấn đề bảo trì tuabin do các lệnh trừng phạt. Đến tháng 9, vụ rò rỉ đường ống Nord Stream nghi do bị nổ đã cắt nốt nguồn cung năng lượng từ Nga cho khối này.
Tình thế này buộc châu Âu phải ráo riết tìm kiếm những nguồn cung năng lượng mới trong suốt những tháng trước thềm mùa đông, trong đó khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ là một lựa chọn quan trọng.
Theo Hiệp hội cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), các kho dự trữ của EU đã được lấp đầy 91%, vượt mục tiêu 80% vào tháng 11 vừa qua. Điều đó giúp châu Âu giảm bớt nỗi lo mất điện trong mùa đông và làm giảm giá khí đốt cho người tiêu dùng cuối.
Tuy nhiên, mùa đông đang diễn ra đã khiến kho lưu trữ năng lượng của EU giảm dần do nhu cầu tăng cao. Các nhà phân tích cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong hai tháng đỉnh điểm của mùa đông, trong khi nguồn cung LNG từ Mỹ hiện nay lại chủ yếu chỉ mang tính tạm thời.
Trong năm 2023, EU được cảnh báo có thể thiếu khoảng 70 tỷ mét khối khí đốt nếu nhu cầu không giảm xuống, ngay cả khi đã tối đa hóa công suất nhập LNG từ Mỹ. Trong khi đó, giá bán LNG mà Mỹ dành cho khối này lại không hề dễ chịu so với thời họ còn mua năng lượng của Nga, do vấn đề vận chuyển và logistics tốn kém hơn trước.
Điều này khiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mới đây phải thừa nhận, Liên minh châu Âu phải hứng chịu tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine nghiêm trọng hơn nhiều so với Mỹ.
Mặc dù, quan hệ an ninh giữa EU và Mỹ được củng cố hơn khi xung đột nổ ra, khi hai bên cùng phối hợp hậu thuẫn cho Ukraine, nhưng cái giá phải trả cho kinh tế từ cuộc xung đột này lại khác nhau.
Cái giá này đang ngày càng đắt đỏ hơn khi những đợt lạnh khắc nghiệt của mùa đông đang lần lượt đổ bộ vào châu Âu. Thời tiết lạnh giá hiện nay đã đẩy nhu cầu của khí đốt của châu Âu bao gồm nước Anh tăng tới 44% trong tuần vừa qua, theo dữ liệu từ cơ quan báo cáo giá ICIS của châu Âu.
Điều này biến mùa đông năm nay trở nên đặc biệt khi trở thành phép thử thực sự cho châu Âu liệu có thể vượt qua thời tiết lạnh giá khi “cai” nguồn năng lượng từ Nga hay không.