Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Pháp Francois Hollande đến thăm Nga ngay sau khi nước này sáp nhập Crưm. Đầu năm 2015, trả lời phỏng vấn đài phát thanh “France Inter”, Tổng thống Pháp kêu gọi cần phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga ngay lập tức.
Khi các nhà lãnh đạo EU… cởi lòng
Vẫn biết điều kiện dỡ bỏ cấm vận chống Nga mà phương Tây đưa ra là chấm dứt khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định Nga không có liên quan đến nội chiến ở Đông Ukraine. “Khi tôi gặp Tổng thống V.Putin, ông ấy nói với tôi rằng không có ý định sáp nhập miền Đông Ukraine. Ông ấy chỉ muốn tạo ảnh hưởng và không muốn Ukraine gia nhập NATO”- Francois Hollande phân trần.
Cùng quan điểm với Tổng thống Pháp, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo rằng việc tiếp tục trừng phạt chống lại Nga sẽ hết sức nguy hiểm. Trả lời phỏng vấn tờ “Bild” ngày 4/1, Sigmar Gabriel cho rằng, những người tham gia trừng phạt chống Nga có thể đưa cả châu Âu vào cái bẫy. Gabriel khẳng định mục tiêu của EU là giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứ không phải triệt phá kinh tế và chính trị của Nga.
Không ít các nhà lãnh đạo EU cho rằng, nếu cuộc khủng hoảng ở Nga lan rộng rất có thể sẽ tràn sang EU như một “hiệu ứng domino”. Ngay trong tháng 10/2014, Chính phủ Đức đã điều chỉnh tăng trưởng kinh tế của nước này từ 1,8% xuống còn 1,2% đối với năm 2014 và từ 2% xuống 1,3% với năm 2015. Kể từ mùa hè năm ngoái, xuất khẩu từ Đức vào Nga giảm 20%, cuộc khủng hoảng ở Nga đã đánh một đòn chí mạng vào các công ty Đức. Cuộc khủng hoảng ở Nga cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế nước Pháp. Cũng vì cuộc khủng hoảng ở Nga, Chính phủ Pháp đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nước Pháp xuống mức thấp nhất.
Cả người Đức và Pháp đều có lý của họ. Tháng 8 năm ngoái, đáp lại các đòn trừng phạt liên tiếp của EU, chính quyền Nga ban lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của châu Âu. Động thái này làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng đối với các tổ chức nông nghiệp của Pháp. Đại diện của các tổ chức này lo ngại chính châu Âu sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự. Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả là mối lo của Pháp trong vụ chuyển giao tàu sân bay Mistral. Nếu vì trừng phạt mà Paris phá hợp đồng vụ “Mistral”, họ sẽ phải nộp phạt cho Nga cả tỷ euro. Trong thời buổi khốn khó này, số tiền ấy không hề nhỏ với Pháp quốc.
Hòa giải để cùng hưởng lợi
Càng ngày châu Âu càng ý thức sâu sắc một điều rằng sự phụ thuộc vào kinh tế Nga sẽ đẩy họ đến bờ vực khó khăn. Mất đi một nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ từ Nga, kinh tế EU sẽ bị suy giảm. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nói thẳng rằng Đức và EU chẳng được lợi lộc gì trong việc trừng phạt chống nước Nga. Theo các nhà phân tích, những tuyên bố trên nhằm gây áp lực đối với “các nhà trừng phạt” - những người bảo thủ ở Mỹ và những người theo tư tưởng cấp tiến ở châu Âu.
Có thể nói, thái độ của Đức và Pháp trong việc tổ chức hội nghị cấp cao 4 bên (Nga, Pháp, Đức và Ukraine) tại Astana (Kazakhstan) để giải quyết khủng hoảng Ukraine là quá rõ ràng. Mặc dù hội nghị này bị Washington phá đám, không diễn ra theo dự kiến nhưng không vì thế mà Berlin và Paris nản lòng. Cả Đức và Pháp đều muốn làm trung gian trong cuộc hòa giải xung quanh khủng hoảng Ukraine, không chỉ vì lợi ích của cải cách chính trị ở Ukraine mà còn ngăn chặn ý đồ bành trướng của Nga. Tất cả cũng chỉ vì mất thị trường Nga, ngành công nghiệp của họ sẽ rơi vào vòng nguy hiểm. Ngoài ra, không thể bỏ qua những lo ngại của các chính trị gia EU rằng việc dồn Putin vào chân tường là hành động chính trị mạo hiểm.
Trừng phạt Nga lợi hay hại? Trả lời cho câu hỏi này có thể sẽ là một trong những chủ đề chính mà cộng đồng thế giới cần bàn bạc kỹ trong năm 2015.