Tại Diễn đàn Nhà đầu tư Cổng Toàn cầu về Kết nối Giao thông Liên minh Châu Âu-Trung Á tại Brussels hôm 29/1/2024, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết:
“Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của phương Tây nhằm giúp đỡ Kiev và làm suy yếu Moscow, các biện pháp trừng phạt của EU phần lớn đã không đạt được mục tiêu, và cần có sự hợp tác nhiều hơn từ các quốc gia Trung Á để đạt mục tiêu”.
“Cuộc xung đột ở Ukraine là một lời nhắc nhở rõ ràng về tầm quan trọng của việc cùng nhau bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi của LHQ”, ông Borrell nói tiếp.
“Bạn biết rõ là, để bảo vệ những nguyên tắc này, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đáng kể đối với Nga, điều này đã làm suy yếu đáng kể cỗ máy chiến tranh của nước này, tuy nhiên Moscow vẫn ở đó và chiến tranh vẫn tiếp tục. Và nếu tôi có thể nói, thì đó là: Cường độ giao tranh ngày càng gia tăng và chúng ta không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm ở Ukraine”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU thừa nhận.
“Để các biện pháp trừng phạt này có hiệu quả, chúng tôi cần sự hợp tác toàn diện từ các đối tác. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ hoạt động thương mại giữa chúng tôi, giữa các nước Trung Á với họ và Nga. Chúng tôi cố gắng phân tích đâu là cơ chế khiến các biện pháp trừng phạt bị lách luật”, ông Borrell nhấn mạnh.
Trong khi đó, về phía Nga, theo Tổng thống Vladimir Putin, nền kinh tế Nga đang trong tình trạng tốt, tăng trưởng nhanh chóng và thậm chí còn được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến nước này phải tập trung nhiều vào sản xuất hơn là xuất khẩu năng lượng.
Các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga do G7 và EU đưa ra vào cuối năm ngoái được coi là một biện pháp nhằm cắt giảm nguồn thu từ năng lượng của Moscow. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng đã gây ra hiệu ứng ngược, theo một nghiên cứu gần đây.
Kiev cũng nhiều lần bày tỏ rằng, Moscow không bị cô lập như phương Tây hứa hẹn, khi Trung Quốc và nhiều quốc gia Nam bán cầu từ chối tuân theo đường lối do phương Tây đặt ra mà thay vào đó giữ quan điểm trung lập.
Theo cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, Mikhail Podoliak, giữa những “sự thất vọng” như vậy và sau cuộc phản công thất bại vào mùa hè của đất nước, chính quyền Kiev sẽ tăng cường nỗ lực giải thích cho người dân của họ lý do tại sao họ nên ra tiền tuyến.
Trong khi Kiev không công bố con số thương vong, Bộ Quốc phòng Nga ước tính lực lượng Ukraine đã mất tới 400.000 quân trong suốt cuộc xung đột.
Theo Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal, Kiev cũng đang “làm việc chăm chỉ” để đảm bảo nguồn tài trợ của phương Tây cho đất nước vào năm 2024.
Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Kiev khoảng 111 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự, nhưng dòng vốn này đã giảm đáng kể khi Nhà Trắng phải vật lộn để có thêm 60 tỷ USD hỗ trợ khác.
Cho đến nay, EU cũng chưa đạt được thỏa thuận chuyển 50 tỷ euro (54 tỷ USD) từ ngân sách chung của khối cho Ukraine.