Liên minh châu Âu (EU) không thể giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga trong năm tới nếu việc sản xuất không dừng hàng loạt - nhật báo kinh doanh RBK đưa tin hôm 19/9 khi dẫn một nghiên cứu của công ty tư vấn Yakov & Partners.
Nghiên cứu trên chỉ ra, mặc dù có báo cáo các kho khí đốt ở EU đã đầy, nhưng khối vẫn phải sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và sẽ không thể vượt qua mùa đông tới và năm tiếp theo nếu không duy trì mức khí đốt cung cấp từ Nga hoặc phải giảm mạnh tiêu thụ.
Theo báo cáo trên, để đáp ứng nhu cầu đến cuối năm 2022, các nước châu Âu sẽ phải duy trì nhập khẩu từ Nga hoặc giảm tiêu thụ khí đốt thêm từ 7 đến 12 tỷ mét khối. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu đóng cửa một phần hoặc một số ngành công nghiệp.
Ngoài ra, thâm hụt có thể tăng lên 20-30 tỷ mét khối nếu nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng của Trung Quốc phục hồi hoặc nếu mùa đông lạnh và kéo dài, hay trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nghiên cứu cho biết thêm.
Yakov & Partners chỉ ra rằng 70% công suất sản xuất phân đạm ở EU đã bị dừng lại, sản xuất nhôm giảm 25% và sản xuất thép giảm 5%. Các tác giả của nghiên cứu gợi ý rằng sự sụt giảm sản lượng có thể sẽ tiếp tục “thậm chí trong trường hợp mùa đông ôn hòa”.
Bà Elena Kuznetsova, một đối tác của công ty cho biết, theo viễn cảnh của năm 2023, việc loại bỏ khí đốt của Nga đồng nghĩa với việc thâm hụt 40-60 tỷ mét khối đối với các nước châu Âu ngay cả khi vẫn duy trì tỷ lệ tiết kiệm khí đốt hiện tại cho cả năm 2023.
Bà giải thích, 60 tỷ mét khối khí đốt có thể so sánh với lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của Pháp và Ba Lan cộng lại. Mức này cũng tương đương tổng lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của các ngành như sản xuất phân bón, hóa dầu, luyện kim đen và kim loại màu cùng tất cả các ngành kỹ thuật. Bà Kuznetsova cảnh báo việc dừng các ngành này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các ngành liên quan khác, từ nông nghiệp đến dịch vụ.