Tại cuộc họp của nghị viện châu Âu diễn ra ngày 4/7, EC đã công bố một kế hoạch đề nghị tăng mức ngân sách hỗ trợ Italy giải quyết dòng người nhập cư ồ ạt đổ về châu Âu thông qua Địa Trung Hải, đồng thời khuyến cáo các thuyền giải cứu người di cư hoạt động ngoài khơi Libya cần đánh giá lại hoạt động của mình nhằm tránh để tạo đà cổ súy thêm nhiều người nhập cư tiếp tục sử dụng đường biển làm phương tiện để di cư tới châu Âu.
EU dự kiến tăng cường hơn nữa năng lực của nhà chức trách Libya thông qua dự án hỗ trợ 46 triệu Euro, đồng thời tăng trợ giúp tài chính cho Italy thông qua gói hỗ trợ bổ sung trị giá 35 triệu Euro. Kế hoạch hành động này sẽ được đưa ra thảo luận vào ngày 6/7 tại Tallinn, Estonia, trong khuôn khổ cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Nội vụ EU, với chương trình nghị sự chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng người di cư ở Địa Trung Hải.
Kế hoạch này của EC ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ giới lãnh đạo EU và quốc tế. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong một tuyên bố đã nhấn mạnh rằng, tình hình người di cư qua Địa Trung Hải đã và đang diễn biến phức tạp, đồng thời nhấn mạnh điều này không phải mới và càng không phải là hiện tượng nhất thời.
Về phần mình, Phó Chủ tịch EC, Frans Timmermans đánh giá việc Italy kêu gọi các đối tác châu Âu giúp đỡ là “hoàn toàn hợp lý”, bởi tất cả các quốc gia châu Âu đều có nghĩa vụ chia sẻ gánh nặng trên với Italy.
“Lời kêu gọi của Chính phủ Italy mới đây về sự đoàn kết trong châu Âu nhằm giải quyết dòng người di cư là hoàn toàn hợp lý. Italy đã thể hiện rõ mức độ đoàn kết với người di cư mà chưa hề có tiền lệ trong lịch sử châu Âu.
Trong một vài năm qua, Italy đã nỗ lực rất nhiều nhằm cải thiện tình hình. Nếu so sánh với hai năm trước, Italy giờ đã là một thế giới khác, tốt hơn nhiều song với tình hình hiện nay, những gì mà Italy phải đối mặt có nghĩa là tất cả mọi người đều cần phải làm phần việc của mình”, ông Tillerson nói.