Ý tưởng trên không phải là tạo ra những nhà phát triển phần mềm trong tương lai mà là những người có mối quan hệ thông minh hơn với công nghệ, máy tính và các trang web.
Tại quốc gia Đông Âu này có khoảng 550 trường học và trong năm học mới sẽ có khoảng 20 trường tham gia vào chương trình thử nghiệm mang tên ProgeTiiger.
Đây là một chương trình kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, cho tới cuối năm 2013 đã được tài trợ 70.000 euro từ chính phủ. Số tiền này sẽ dùng để chi cho tài liệu được sử dụng trong các trường học tham gia thử nghiệm và các GV cũng được đào tạo về chuyên môn. Công ty công nghệ Tieto của Phần Lan sẽ đứng ra làm tư vấn cho chương trình này.
ProgeTiiger là một dự án thuộc tổ chức Tiger Leap của Estonia. Đây là một tổ chức được thành lập được 16 năm và do chính phủ tài trợ. Tiger Leap chuyên phát triển khoa học và công nghệ tại các trường học.
Tổ chức này đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ đầu tiên của mình, đó là giúp cho tất cả các trường học ở Estonia kết nối với Internet, trong vòng 4 năm. Theo đó, Estonia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu có một đường thuê bao công nghệ số (DSL) tại mỗi trường học.
Năm nay, chương trình sẽ được mở rộng cùng với việc thêm các nhóm lập trình cho HS lớn hơn – những em muốn tiếp tục học thêm bên ngoài nhà trường. Dự kiến, ProgeTiiger sẽ trở thành một phần của chương trình học phổ thông giống như các môn Toán và Ngôn ngữ.
Đây là ý tưởng của bà Eve Lauringson, người đã thảo luận với bạn mình về việc dạy trẻ em biết viết code từ tháng 12/2011 khi lái xe dọc đất nước.
“Ở Estonia, có 2 thứ quen thuộc với trẻ em là tã giấy Pamper và Ipad, do đó chúng tôi nghĩ phải có một phong trào nào đó liên quan tới công nghệ” – Bà Lauringson, người quản lý dự án ProgeTiiger, cho biết.
Bà biết sẽ là điều lạ lùng khi hệ thống trường học cả nước dạy trẻ em về cách viết code khi còn rất nhỏ. “Đây là một dự án độc đáo. Các quốc gia khác muốn bắt đầu dạy lập trình từ trường THCS và không dám bắt đầu dạy từ lớp 1” – Bà nói.
Tại sao lại bắt đầu sớm?
“Chúng tôi muốn thay đổi suy nghĩ rằng máy tính và các chương trình chỉ như nó vốn có. Có một cơ hội tạo ra thứ gì đó mới và trở thành một người sử dụng công nghệ thông minh” – Bà Lauringson nói.
Người phụ nữ này đã bắt đầu dự án không lâu sau khi nghỉ sinh con 3 năm và hiện đang có một bé trai học trường mẫu giáo. “Cháu đã được 4 tuổi và tôi đang nghĩ cách để cháu bắt đầu biết lập trình” – Bà nói.
Đối với những HS nhỏ tuổi, những khóa học mới sẽ không tập trung một cách nghiêm khắc vào việc học các ngôn ngữ lập trình như Java, Perl và C++ mà các em sẽ được học một cách nhẹ nhàng các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc viết code như là logic – thứ vốn mang lại lợi ích cho cả các môn học như Toán.
Mặc dù những HS nhỏ tuổi sẽ được bắt đầu bằng những thao tác máy tính đơn giản nhưng mục tiêu tiến đến là giúp các em tạo ra được trang web và các ứng dụng di động.
Làm điều này, Estonia đang trang bị cho các thế hệ tương lai những kỹ năng cần thiết để đi trực tiếp vào việc lập trình và phát triển phần mềm – những lĩnh vực đang ngày càng cần tài năng mới.
Hơn nữa, những kỹ năng này sẽ được dùng ở bất kỳ lĩnh vực nào mà sau này các em lựa chọn làm nghề nghiệp vì tin học đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống.
“Chúng tôi chỉ có 1,3 tỉ dân do đó rất dễ để phát triển những loại dự án như thế này. – Bà Lauringson nói – Estonia giống như một quốc gia nhỏ đi đầu để khởi động những dự án như thế. Chúng tôi dám làm nhưng không biết thực sự điều gì sẽ xảy ra”.