Thực tế, điều này có nghĩa rằng Ankara đã chấm dứt dự án hội nhập với EU. Đáp lại những lời chỉ trích của các quan chức châu Âu, Recep Tayyip Erdogan kêu gọi tôn trọng sự lựa chọn của người Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả việc khôi phục lại án tử hình.
Vận mệnh đất nước phải đặt lên trên hết
Trên truyền hình NTV, Phó Thủ tướng Numan Kurtulmush vừa tuyên bố: Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời từ bỏ Công ước châu Âu về Nhân quyền. Theo lời ông Numan Kurtulmush, trong bối cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, việc áp dụng điều thứ 15 của Công ước sẽ “đe dọa sự tồn tại của quốc gia”.
Lý do đơn giản là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ nước này. Quyết định trên được Tổng thống Erdogan tuyên bố trong một cuộc họp nội các kéo dài tới 5 tiếng đồng hồ.
Ông Erdogan khẳng định, đây là “các biện pháp kịp thời và hiệu quả để ngăn chặn các mối đe dọa cho nền dân chủ, pháp trị, nhân quyền và các quyền tự do của công dân của chúng tôi”.
Chế độ “tình trạng khẩn cấp” sẽ cho phép chính phủ và Tổng thống có thể ban hành các bộ luật mới mà không cần thông qua Quốc hội. Ví dụ, trong tuần này sẽ được công bố kế hoạch cải cách quân sự, theo đó, quân đội phải được đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Quốc hội và Bộ Quốc phòng. Erdogan nhấn mạnh rằng giờ là lúc quân đội sẽ hành động phù hợp với đường lối của chính phủ.
Cánh cửa vào EU coi như khép lại
Chiến dịch bắt bớ, sa thải hàng loạt các công chức nhà nước, trong đó có việc sa thải tới 21.000 giáo viên của chính quyền Erdogan đang gây bức xúc trong dư luận phương Tây. Đặc biệt, ý định khôi phục lại án tử hình của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang bị các quan chức EU lên án.
Ngoại trưởng Đức Frank -Walter Steinmeier đã kêu gọi các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ chế độ “tình trạng khẩn cấp” càng sớm càng tốt.
“Điều quan trọng là tình trạng khẩn cấp chỉ có thể kéo dài trong thời gian cần thiết và tiến tới bãi bỏ càng sớm càng tốt” - ông Frank - Walter Steinmeier nói.
Ngoại trưởng Đức cũng cảnh báo Ankara không nên săn lùng phe đối lập một cách bừa bãi. Ông nói: “Chính phủ (Thổ Nhĩ Kỳ - ND) cần phải hành động để đáp trả các hoạt động bất hợp pháp chứ không chỉ vì sự nghi ngờ về lòng trung thành chính trị”.
Đáp trả, trên kênh truyền hình Al Jazeera, Erdogan cho biết: Người châu Âu không có quyền chỉ trích việc tiến hành các biện pháp khẩn cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ai bảo, sau các cuộc tấn công khủng bố, Pháp đã không áp đặt tình trạng khẩn cấp? Ai bảo cảnh sát không bắt giữ số lượng lớn người dân” - Ông Erdogan đặt câu hỏi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cập đến chủ đề hình phạt tử hình. Erdogan cho rằng một quyết định tương tự như vậy không ảnh hưởng đến các mối quan hệ với Liên minh châu Âu.
“Ai bảo hiện tại ở Mỹ, ở Nga, ở Trung Quốc và ở hàng loạt các nước trên thế giới không áp dụng án tử hình? Việc không áp dụng án tử hình chỉ có ở EU” - Erdogan phát biểu trước đám đông người ủng hộ.
Con đường đến với EU của Thổ Nhĩ Kỳ thật chông gai. Ankara bắt đầu đàm phán gia nhập EU từ năm 2008, nhưng khó có thể vượt qua những tiêu chuẩn ngặt nghèo mà khối này đề ra.
Sau thỏa thuận về khủng hoảng người nhập cư năm ngoái, khi EU nhận thấy vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, những tưởng tiến trình này sẽ tăng tốc, nhưng không.
Vào giữa tháng 5/2016, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố rằng xét theo cấp độ tiến bộ hiện tại thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập EU vào khoảng năm… 3000.
Ngay lập tức, phát biểu trước Quốc hội, ông Numan Kurtulmush cho rằng: “Nếu ai đó khẳng định rằng quá trình gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vào EU sẽ kéo dài cho đến tận năm 3000, thì đó là nỗi ô nhục không phải cho Thổ Nhĩ Kỳ, mà là cho chính những người nói ra ý nghĩ tương tự.
Họ cần tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với Liên minh châu Âu hôm nay sau 30 năm nữa. Chúng tôi đang thực hiện những cam kết về tự do hóa chế độ thị thực.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ nói chung không phụ thuộc vào EU”. Và giờ là lúc Ankara tự quyết định con đường của chính họ.