Em chồng ấm ức vì bị chị dâu “sỉ nhục”

GD&TĐ - Tôi không thể nhịn được nữa: "Chị đừng sỉ nhục em". Giọng chị bình thường trở lại: "Chị sỉ nhục em bao giờ? Chị chỉ nói những gì chị nghĩ thôi. Nếu em thấy khó chịu, em có thể sỉ nhục lại chị mà".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một ngày, anh trai tôi dẫn về nhà một cô gái vóc dáng nhỏ xíu, trẻ măng. Lúc ấy mẹ tôi đang đứng trong bếp, bà huých nhẹ tôi: "Sao dạo này thằng Thiện chơi thân với học sinh thế nhỉ?". Tôi lắc đầu: "Con chịu". Đến khi anh giới thiệu cô gái ấy là người yêu, tôi suýt lăn đùng ra vì độ "cute" của chị, "sốc" hơn khi biết chị còn hơn anh một tuổi.

Bố mẹ tôi vốn dễ dãi nên chẳng ai bận tâm đến chuyện tuổi tác, thấy chị có công việc ổn, tính nết hiền lành là đồng ý cho anh chị kết hôn. Mừng cho anh trai, nhưng hễ nhìn chị, tôi lại có chút mặc cảm. Tôi kém chị 9 tuổi nhưng phong cách tomboy cùng dáng vóc khá to cao khiến tôi hoàn toàn mất tự tin khi đứng trước chị.

Chỉ đến khi chị chính thức trở thành chị dâu, thấy chị khá hồn nhiên và gần gũi tôi mới dám mon men đến gần, hỏi: "Chị ơi, chị ăn gì mà trẻ thế ạ?". Chị cười hề hề: "Chị ăn nhiều thịt và rau, ít ăn tinh bột".

Tôi và chị dâu ngày càng trở nên thân thiết nhờ đề tài ăn uống và làm đẹp. Tôi rất tự hào với đám bạn vì có một người chị dâu xinh xắn, trẻ trung và đáng yêu. Mỗi khi hai chị em có dịp đi chơi với nhau, ai đó hỏi: "Bạn kia là ai thế?". Tôi vênh mặt lên: "Chị dâu tao đấy".

Cũng có đứa thật thà thốt lên: "Ối, tao tưởng em họ của mày cơ". Nghe được những lời bình luận có phần "dìm hàng" mình, tôi cũng chấp nhận vì tôi thực sự yêu quý chị dâu.

Một hôm tôi chạy về nhà, hí hửng khoe chị đôi xăng-đan mới sắm, tưởng được chị khen, không ngờ chị phán một câu xanh rờn: "Giời ơi, bây giờ ai còn đi xăng-đan kiểu này nữa, em phải đi giày cho kín chân chứ". Tôi thắc mắc: "Đi xăng-đan mùa hè là hợp lý mà chị".

Chị dâu lắc đầu: "Chị biết rồi, nhưng đôi xăng-đan này không phù hợp, em cần phải che đôi chân quê mùa của em đi, chị nói với em bao nhiêu lần rồi, cái đẹp khoe ra, cái xấu đậy lại".

Tôi "sốc" đờ cả người khi nghe chị nói thế, nhưng rồi lại tự an ủi bản thân rằng chị dâu và mình đã thân nhau đến mức không cần nói giảm nói tránh, lần ấy tôi nhịn, vẫn tỏ ra thân thiết với chị như chưa hề có chuyện gì.

Tôi lo nghĩ chuyện thi cử, ăn uống kém, ngủ ít, tóc bị rụng nhiều nên quyết tâm cắt phăng mái tóc dài cho đỡ "xì trét". Thấy tôi về nhà với mái tóc ngắn lởm chởm, chị dâu hỏi: "Sao phải cắt tóc?". Tôi giải thích ngắn gọn: "Tóc em rụng nhiều quá nên em cắt".

Chị dâu lắc đầu: "Cắt ngắn không giải quyết được vấn đề gì cả, chị thấy tóc giả bây giờ chỉ vài trăm một bộ, rẻ lắm, sao em không mua lấy vài bộ mà đội cho đẹp? Con gái ai lại để đầu hói ra đường bao giờ".

Tôi nghẹn họng khi nghe lời nhận xét quá thẳng, quá "ác" của chị, tôi nói nửa đùa nửa thật: "Ít ra thì em cũng có tác dụng làm trò giải trí cho chị vui nhỉ?". Chẳng hiểu chị nghĩ gì mà cười "khà khà" hưởng ứng.

Tôi sắm được chiếc váy mới, thích quá mặc luôn về nhà, vừa nhìn thấy tôi, chị dâu chặn lại, hỏi: "Váy đâu ra?". Tôi bảo: "Váy em mới mua đấy, đẹp không chị?". Chị nhăn mặt: "Nhìn em như... thằng biến thái".

Lần này tôi nổi cáu thực sự: "Sao chị lại nói em thế?". Chị khăng khăng: "Thì đúng thế còn gì, làm gì có đứa con gái nào để đầu tomboy rồi mặc váy hai dây bánh bèo thế này không?".

Chị nhận xét không sai, nhưng tôi ấm ức vô cùng vì những tính từ quá "nặng nề" chị "dành tặng" cho một đứa em chồng như mình. Càng ngày tôi càng thấy hình như chị không yêu thương thật lòng mà chỉ tìm cơ hội để "sỉ nhục" tôi.

Ngày nào tôi cũng tự dặn mình phải nhịn chị dâu để giữ hòa khí trong gia đình, nhưng có lần đang tưới cây ngoài ban công, vì không đeo kính nên tôi tưới chậu xương rồng của chị quá đẫm nước, chị nhào tới, quát: "Em ăn gì mà ngu thế? Xương rồng tưới đẫm thế này thì chết à?".

Tôi không thể nhịn được nữa: "Chị đừng sỉ nhục em". Giọng chị bình thường trở lại: "Chị sỉ nhục em bao giờ? Chị chỉ nói những gì chị nghĩ thôi. Nếu em thấy khó chịu, em có thể sỉ nhục lại chị mà". Tôi gào lên: "Em không làm được vì em không có thói quen ăn nói quá hồn nhiên như chị".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.