Cộng đồng trách nhiệm
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã phải cho học sinh học trực tuyến thay vì học trực tiếp tại trường. Do đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước nên khi thay đổi hình thức học, các nhà trường đều chủ động thích ứng với quyết tâm cao nhất, đảm bảo mục tiêu “dừng đến trường nhưng không dừng học”. Tuy nhiên, ở bậc học mầm non, do không thể dạy - học trực tuyến nên việc duy trì những thói quen tốt cho trẻ đã được các nhà trường phối hợp với gia đình để thực hiện.
Tại Vĩnh Yên, ngay sau khi UBND thành phố có quyết định cho học sinh học trực tuyến (nghỉ học đối với bậc mầm non), nhà trường đã chủ động thông báo cho phụ huynh học sinh qua hệ thống tin nhắn tự động. Bên cạnh việc thông báo lịch học để phụ huynh theo dõi, giám sát thì nhà trường còn hướng dẫn phụ huynh cách phòng dịch cho trẻ ngay tại nhà. Đồng thời, hướng dẫn cách chăm sóc đối với học sinh lớp nhỏ để các em có được tinh thần, thể lực tốt nhất trong thời gian học trực tuyến.
Nhà giáo Ngô Thị Thi Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Vĩnh Yên) cho biết: Nhà trường hiện có 550 trẻ, trong đó có 210 trẻ ở lớp 5 tuổi. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường được thực hiện rất chặt chẽ. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại thời điểm học sinh còn học tại trường, nhà trường thường xuyên nhắc nhở phụ huynh theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt cho trẻ trước khi đến trường. Khi đến trường, đội ngũ y tế, giáo viên kiểm soát thân nhiệt một lần nữa trước khi học sinh vào lớp. Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện qui định 5k, thực hiện giãn cách giữa các lớp và phân luồng giờ tan học của học sinh để hạn chế việc tập trung đông người trước cổng trường.
Trong thời gian trẻ tạm dừng đến trường, Nhà trường phối hợp với phụ huynh trong chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhắc nhở phụ huynh cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đúng giờ để giữ gìn sức khỏe.
“Ban giám hiệu đã lựa chọn, phân công giáo viên thực hiện bài giảng theo chuyên đề, phân công giáo viên tổ chức tự quay những video về các bài hướng dẫn phụ huynh dạy trẻ tại nhà thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý; tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà; Hướng dẫn trẻ những kỹ năng tự chăm sóc bản thân như: đánh răng đúng cách, vệ sinh thân thể, tự sắp xếp đồ dùng cá nhân, những bài thể dục đơn giản.
Ngoài việc tự “sản xuất” các video nói trên, các cô giáo còn tích cực sưu tầm, chia sẻ đến các phụ huynh những nội dung bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Điển hình là các video về kỹ năng sống như: biết giữ lời hứa, không nên kiêu ngạo, bỏ rác đúng nơi quy định… Các video này ngoài việc được đăng tải trên website của trường thì sẽ được đăng lên Zalo các nhóm lớp để PHHS tiện theo dõi, hướng dẫn trẻ”-. Nhà giáo Ngô Thị Thi Nga cho biết thêm.
Sẵn sàng chuyển trạng thái
Chị Nguyễn Thị Thu có con đang học lớp 5 tuổi Trường MN Cầu Vồng (Khai Quang, Vĩnh Yên) ban đầu cũng khá lo lắng khi con nghỉ học ở nhà. Tuy nhiên, với sự phối hợp của giáo viên và nhà trường, chị đã tự tin để hướng dẫn trẻ vui chơi, học tập tại nhà.
Chị Thu chia sẻ: Vì là năm học chuyển cấp nên gia đình khá lo lắng khi con phải nghỉ học và ở nhà. Ngoài chuyện lo chăm sóc, ăn uống thì gia đình cũng boăn khoan khi phải hướng dẫn cháu học để làm quen với bảng chữ cái, chữ số trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, qua hướng dẫn của giáo viên, gia đình đã có được kế hoạch cho trẻ vui chơi và tự học trong từng ngày. Mặc dù chỉ dừng ở mức độ duy trì nhưng cũng rèn cho các con những thói quen tốt, các con tự học mà không có cô giáo kèm như trên lớp.
Trong thời gian trẻ nghỉ học để tránh dịch, ngoài công tác phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn chăm sóc trẻ, các nhà trường cũng luôn sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Cô Nguyễn Thị Hướng – Giáo viên Trường Mầm non Đồng Văn (huyện Yên Lạc) cho biết: Hằng ngày chúng tôi vẫn đến trường để quay các clip hướng dẫn trẻ học tập và tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Bên cạnh đó, các giáo viên và nhà trường thường xuyên tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, sát khuẩn đồ chơi, đồ dùng học tập để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Cô giáo Lê Thị Lan, giáo viên phụ trách lớp 5 tuổi Trường MN Hao Hồng cho biết: Đối với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi ngoài việc hướng dẫn các bé các hoạt động phòng chống dịch, tự chăm sóc bản thân, các bài thể dục, dinh dưỡng tăng cường sức khỏe, giúp cha mẹ 1 số công việc vừa sức…, giáo viên cần lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục trong 120 chỉ số cần đạt (phát triển thể chất, phát triển tình cảm và quan hệ xã hội, phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, phát triển nhận thức), giúp trẻ em đạt những kết quả mong đợi để chuẩn bị sẵn sàng vào học lớp Một
Những cách làm này của nhà trường đã và đang góp phần tích cực trong việc giáo dục lối sống lành mạnh, kỹ năng cần thiết cho trẻ tại nhà khi chưa thể đến trường. Đó cũng là minh chứng cho những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo nói chung, các giáo viên mầm non nói riêng trong việc quan tâm, chăm lo thế hệ tương lai. Dù dừng đến trường nhưng không dừng việc học.