Đường về tổ ấm

GD&TĐ - Năm học này, Yên Bái lần đầu tiên điều động 45 giáo viên ở vùng cao về nơi có điều kiện thuận lợi.

Cô Hồ Thị Kim Thoa trong giờ lên lớp giảng dạy cho các em học sinh mầm non. Ảnh: NVCC
Cô Hồ Thị Kim Thoa trong giờ lên lớp giảng dạy cho các em học sinh mầm non. Ảnh: NVCC

Ai ai trong số đó cũng đều xác định sẽ dành thời gian nhiều hơn cho tổ ấm gia đình như để bù lại quãng thời gian xa vắng.

Có lúc muốn…“bỏ cuộc”

Cô Hoàng Thị Tùng Bách vừa được luân chuyển từ Trường PTDTBT TH & THCS Túc Đán (huyện Trạm Tấu) về Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái). 21 năm về trước, khi mới tròn đôi mươi, cô Bách bắt đầu nhận nhiệm vụ tại một trường ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. Để đến được trường, mỗi lần, cô Tùng Bách phải đi bộ mất 4 - 5 tiếng. Nhà ở và lớp học là những chiếc lán xiêu vẹo dựng tạm trên nền đất. Khi màn đêm buông xuống, cảnh vật tĩnh lặng như tờ.

Một mình giữa những cánh rừng thanh vắng với tiếng chim kêu, vượn hú khiến cô không khỏi hoang mang trong giai đoạn đầu nhận nhiệm vụ. Mỗi điểm trường chỉ có 1 - 2 giáo viên làm cho nỗi sợ càng nhiều hơn lên. Bởi thế, giáo viên như cô chỉ muốn đêm qua mau, đợi tiếng gà gáy sáng. Đấy là lúc các cô xuống núi, đến gõ cửa từng nhà, gọi học sinh đến lớp.

“Thời gian đầu tôi cũng thấy nản. Những ngày xa nhà, những lúc quằn quại trong cơn đau ốm, tôi đã nghĩ: Có lẽ sẽ bỏ cuộc. Song hình ảnh những em nhỏ người Mông chân trần giữa mùa đông giá rét; Ngồi trong lớp học vẫn còn phải cõng em cho bố mẹ đi làm nương; Các em phong phanh trong tấm áo chưa lành, chưa đủ ấm… Ánh mắt thơ ngây của các em làm cho tôi thấy xót xa, thương cảm. Vì thế, tôi muốn làm điều gì đó”, cô Bách tâm sự.

Có lẽ thời điểm thách thức và khó khăn với cô Bách là vào năm 2015. Khi ấy, cô đã chuyển về Trường PTDTBT TH&THCS Túc Đán được 8 năm. Đứa con đầu lòng của cô được 5 tháng. Cô phải mang con lên bản để chăm sóc. Mỗi ngày 4 tiếng cô cõng con trên lưng, đi bộ từ điểm trường chính đến lớp. Suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, mẹ đi đâu, con ở đó. Cô Bách vừa dạy học, vừa chăm con. Khi bận thì lại nhờ đồng nghiệp và dân bản chăm sóc hộ.

Gian khó là thế, song với sự nỗ lực bản thân, cùng với sự động viên của gia đình, đồng nghiệp, cô Bách đã gặt hái được nhiều thành công và đạt không ít danh hiệu cao quý. “Mái trường tôi đã qua hơn 20 năm có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi tự hào khi đã cống hiến cả một thời thanh xuân cho giáo dục. Nay được chuyển công tác sẽ thuận lợi hơn cho việc chăm lo tổ ấm gia đình. Dù ở nơi nào, tôi cũng từng giờ, từng phút trau dồi kiến thức và đem hết kinh nghiệm, khả năng của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, cô Bách chia sẻ.

Cô Hoàng Thị Tùng Bách cùng các em học sinh nhân ngày kỷ niệm 20/11. Ảnh: NVCC
Cô Hoàng Thị Tùng Bách cùng các em học sinh nhân ngày kỷ niệm 20/11. Ảnh: NVCC

Không kịp nhìn mặt cha lần cuối

Thầy Hoàng Văn Thắng từng công tác tại Trường PTDTBT TH & THCS Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu trong suốt 22 năm. Theo lời kể, năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường THPT Sư phạm Nghĩa Lộ (Yên Bái), thầy Thắng tình nguyện lên Trạm Tấu công tác. Khoảng cách từ trung tâm xã đến trường cũng chỉ mất chừng 20 cây số, nhưng phải đi bộ mất một ngày đường.

Ở vùng cao, thiếu thốn về vật chất đã đành, đằng này những người như thầy phải chịu thiệt đủ thứ. Mỗi khi cha yếu, mẹ đau, các giáo viên ở đây cũng chỉ nghe tin rồi lại thêm đau quặn bởi họ chẳng thể nào ở bên cạnh để chăm sóc. “Khi cha tôi mất, người nhà viết giấy gửi lên báo tin. Nhận được tin, tôi hộc tốc về ngay. Thế mà khi tôi về đến nhà thì tất cả công việc an táng đã xong. Tôi cũng chẳng kịp nhìn thấy mặt cha lần cuối....”, thầy Thắng nghẹn ngào.

Qua hơn 20 năm công tác, thầy Thắng đã trải qua nhiều vị trí công tác, vun đắp cho nhiều thế hệ trò nghèo vùng cao khôn lớn. Có lẽ, đó là điều khiến thầy cảm thấy hạnh phúc nhất. Giờ đây, thầy vẫn luôn đau đáu mong muốn các con sớm trưởng thành, còn đám trò nhỏ vùng cao thì chăm ngoan, tiến bộ.

“Vợ chồng tôi đã thuận tình ly hôn… Nền tảng mỗi gia đình rất cần sự quan tâm và ở cạnh nhau để chăm sóc, đỡ đần. Tuy nhiên, do điều kiện công tác xa nên tôi chưa thể chu toàn. Tôi thương các con vì chưa giúp chúng có được mái ấm trọn vẹn”, giọng thầy chùng xuống.

Năm học 2021 - 2022, thầy Thắng được luân chuyển về Trường TH & THCS Nguyễn Quang Bích, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). “Tại đơn vị mới tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và trau dồi mình hơn nữa để tiếp tục giảng dạy cho các em, làm sao chất lượng giáo dục một ngày đi lên”, thầy Thắng chia sẻ.

Thầy Nguyễn Ngọc Khanh cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Ngọc Khanh cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC

“Ở đây khổ lắm! Cô đừng có khóc”…

“Ở đây khổ lắm cô giáo à! Cô đừng có khóc”. Lời dặn đó được cô Hồ Thị Kim Thoa khắc ghi kể từ ngày đầu đặt chân chốn non cao. Nhớ về ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ vào tháng 10/2007, sau khi tốt nghiệp trung cấp mẫu giáo, cô Thoa viết đơn tình nguyện xin đi dạy ở vùng đặc biệt khó khăn. Cô được phân công giảng dạy tại Trường Mầm non xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Điểm trường cách trung tâm chừng 5km nhưng chặng đường bùn đất, chênh vênh. Những ngày đầu tiên một mình chưa quen nên có lúc cô đã khóc... Thấy vậy, thầy Đạt, Hiệu trưởng nhà trường, động viên: “Em cứ cố gắng ở đây một tuần. Nếu em cảm thấy không ở được thì các anh đưa em về”.

Những tháng ngày bám trường, bám bản để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Cô Thoa còn nhớ như in những ngày đầu vượt đồi cùng thầy giáo dạy tiểu học đi vận động đồng bào đưa con đến trường. Nhà dân khi đó không ở tập trung mà rải rác trên những sườn đồi. Mỗi quả đồi chỉ có vỏn vẹn đôi, ba nóc nhà.

“Hồi ấy, khi gần đến nơi, rõ ràng là có tiếng người nói chuyện trong nhà, nhưng khi tôi gọi thì nhà nào cũng kêu vắng. Họ chẳng muốn tiếp xúc vì biết là sẽ lại vận động các cháu ra lớp. Thế rồi, cũng chẳng biết thế nào, đành phải kiên trì tìm gọi thôi”, cô Thoa kể.

Năm 2009, cô Thoa lập gia đình. Chồng cô cũng là giáo viên. Do chồng công tác xa nên khi sinh con đầu lòng, một mình cô tự mình xoay xở. Vừa nuôi con, vừa học nâng chuẩn kiến thức chuyên môn, cô Thoa vẫn đảm đương việc giảng dạy.

“Năm học 2011 - 2012 một mình tôi được giao nhiệm vụ dạy tại bản Phú Chù Lình của xã Lao Chải. Bản cách trung tâm điểm trường chính 7km. Khi ấy cháu mới được 18 tháng, tôi cõng trên lưng. Hai mẹ con cứ đường rừng mà đi lên bản dạy học. Rất thương con, song công việc buộc phải thế nên đành phải chấp nhận...”, cô Thoa tâm sự.

Bù đắp lại, cô Thoa luôn nhận được sự san sẻ, giúp đỡ của đồng nghiệp, người thân và sự đùm bọc của bà con. “Sau dịp Tết của đồng bào, một phụ huynh cầm 2 con gà nhỏ đến cho con tôi và nói: “Thương thằng con cô giáo quá, chẳng có gì ăn”. Khi nhận quà của người dân tôi xúc động, bật khóc. Họ động viên: Ở đây thì khổ lắm cô giáo à, đừng có khóc, có cái gì ăn thì tao cho. Còn không có cái gì cứ xuống nhà tao mà lấy”, cô Thoa nhớ lại.

Được luân chuyển về Trường Mầm non Hồng Ca, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên cách nhà hơn 13km, cô Thoa cho biết sẽ có nhiều thời gian chăm sóc và đưa đón con đi học. Cô cũng xác định sẽ tiếp tục học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để bắt kịp giáo viên trong đơn vị mới và hoàn thành tốt công việc được giao.

Thầy Hoàng Văn Thắng cùng các em học sinh nhân ngày kỷ niệm tại trường. Ảnh: NVCC
Thầy Hoàng Văn Thắng cùng các em học sinh nhân ngày kỷ niệm tại trường. Ảnh: NVCC

Sẽ làm chỗ dựa cho gia đình…

Là người con quê lúa Thái Bình lên miền ngược, thầy Nguyễn Ngọc Khanh sau khi học tốt nghiệp Trung học Sư phạm 12 + 2 tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đã viết đơn tình nguyện lên công tác tại huyện Trạm Tấu. Khi đó là vào năm 1999.

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng khi đặt chân đến, thầy Khanh cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những gian nan, thách thức. “Điều đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ bởi vì 100% học sinh là con em người Mông. Còn nói về đường sá thì vô cùng khó khăn. Có những bản, đường đi chỉ đủ cho một chiếc xe máy di chuyển. Muốn liên lạc với người thân thì chỉ có mỗi một cách là gửi thư tay”, thầy Khanh nhớ lại.

Suốt những năm gắn bó với vùng cao, ở điểm nào khó khăn nhất, gian nan nhất đều có dấu chân của thầy. “Tôi còn nhớ thời điểm mới lên công tác tại điểm trường thuộc thôn Giàng A Páng, bản Mù. Lên bản là con đường độc đạo, hẹp chỉ bằng bàn chân, trườn theo những con dốc, men theo bờ suối. Phải mất một ngày đường để đến được điểm trường rồi cắm luôn tại bản dạy chữ cho các em”, thầy Khanh nói.

Năm 2003, thầy Khanh lập gia đình. Khi ấy, thầy luôn muốn được về gần nhà để chăm sóc, đỡ đần vợ con những lúc ốm đau. Nhưng rồi, lại nghĩ nhiều thầy cô còn vất vả hơn mình; Có người phải địu con lên bản dạy học thì đâu có lý nào mình không thể vượt qua…(?)

Vợ chồng thầy có 3 người con, cháu thứ hai thiếu may mắn bởi chậm phát triển hơn so với lứa tuổi. Bởi thế, cháu luôn cần được chăm sóc, giáo dục nhiều hơn. Sau 18 năm biền biệt ở vùng cao của huyện Mù Cang Chải, năm học này, thầy Khanh được điều chuyển về công tác tại Trường Tiểu học xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái).

“Được luân chuyển công tác đối với tôi không chỉ tiếp tục cống hiến với vai trò người thầy, mà còn tiếp tục trọn vẹn hơn với vai trò trụ cột gia đình để chăm sóc các con tốt hơn”, thầy Khanh bộc bạch.

Mỗi thầy cô là một câu chuyện và sẽ còn nhiều thầy cô giáo trẻ tiếp tục nối bước thế hệ trước để thắp sáng tri thức cho trẻ vùng cao. “Dù có làm ở đâu, môi trường nào cũng hãy cố gắng phấn đấu, dù là người dân tộc nào thì ở đâu cũng có tình thương”, lời cô Hồ Thị Kim Thoa như một thông điệp gửi đến những đồng nghiệp tương lai.

Năm học 2021 - 2022, 45 giáo viên từng công tác tại khắp các xã vùng cao của tỉnh Yên Bái lần đầu tiên được trở về các trường thuận lợi ở thị trấn, thị xã và thành phố. Họ là những người đã gắn bó với vùng đặc biệt khó khăn đã nhiều năm nay. Người ít cũng có 10 năm, còn người nhiều nhất đã là 22 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.