Từ khát vọng tuổi trẻ đến sân chơi Quốc tế
Đề tài Chiết tách tinh dầu trầu không làm nguyên liệu sản xuất nước rửa tay khô của nhóm bạn trẻ đến từ nhiều trường trên địa bàn Hà Nội vừa xuất sắc giành huy chương bạc của cuộc thi quốc tế Khoa học và Sáng tạo trẻ Quốc tế WICE 2021 (369 đội từ 29 quốc gia tham dự).
Tham gia thực hiện nghiên cứu đề tài này là những gương mặt học sinh xuất sắc, ham học hỏi của các trường: Trường THPT chuyên khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (HUS_HSGS); trường TH School và trường Quốc tế Việt Nam (ISV School).
Sau những buổi sinh hoạt trong Câu lạc bộ khoa học trẻ, các bạn trẻ Cát Huy Dương (lớp Hoá 12A2 trường HUS_HSGS), Vũ Khánh Linh, Lê Bảo Khuê (cùng học lớp 9B, trường TH School), Nguyễn Trí Dũng (lớp 10 trường TH School) và Nguyễn Ngọc Huyền lớp 9B (trường ISV School) đã nhen nhóm ý tưởng tạo ra một sản phẩm thiết thực trong cuộc sống.
Từ những ý tưởng sơ khai ban đầu và mục đích hướng tới sản phẩm thân thiện, đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho người sử dụng; được sự động viên và dìu dắt của PGS.TS Tống Thị Thanh Hương, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, các bạn trẻ đã từng bước tạo nên sản phẩm nước rửa tay khô tinh dầu chiết từ lá trầu không.
Nói về những ý tưởng ban đầu, Khánh Linh, cô bạn nhỏ lớp 9 tâm sự: “Đại dịch Covid mang lại nhiều hiểm nguy cho con người. Chứng kiến những tác động nguy hại hàng ngày, hàng giờ đến cuộc sống con người, chúng em ý thức luôn phải tự bảo vệ bản thân. Vì vậy chúng em đã nghĩ đến làm thế nào có thể tạo ra các sản phẩm có tính sát khuẩn, ít gây độc hại, bảo vệ con người”.
Đồng thuận với ý kiến này, Huy Dương, cậu anh cả của nhóm chia sẻ: “Hàng ngày, gia đình em vẫn sử dụng sản phẩm của lá trầu không trong việc bảo vệ sức khoẻ gia đình như pha nước làm sạch răng miệng, làm lành những vết mẩn, ngứa da. Do vậy, khi cả nhóm có ý tưởng tạo sản phẩm có tính sát khuẩn, em đã nghĩ tới lá trầu không.
Qua tìm hiểu, em phát hiện ra một điều, trong lá trầu không có chứa các hoạt chất phenolic có tính kháng khuẩn cao, không gây kích ứng ngay cả với da nhạy cảm hay dễ tổn thương. Chính vì vậy, sau khi bàn bạc chúng em đã đi đến quyết định dùng nguyên liệu lá trầu không để tạo nên nước rửa tay khô tiện dụng và thân thiện với môi trường”.
Từ những khởi đầu đó, các bạn đã bàn bạc để từng bước biến ý tưởng ban đầu thành hiện thực.
Đường đến thành công không trải bằng hoa hồng.
Sau khi quyết định hướng nghiên cứu này, vướng mắc đầu tiên các bạn trẻ gặp phải đó là vấn đề nguyên liệu. Lá trầu không mà các bạn biết đến là qua câu chuyện cổ tích về sự tích trầu cau, là nắm lá nhỏ mẹ mua về đun nước trầu sát khuẩn. Giờ muốn làm thực nghiệm thì cần có lượng lớn lá trầu có thành phần ổn định, vậy phải làm sao đây.
May mắn thay, Trí Dũng với tính ưa quan sát đã phát hiện ra một vườn trầu trong dịp đi dã ngoại. Từ đó, với sự trợ giúp của người thân, các bạn đã có nguồn nguyên liệu ổn định cho chuỗi nghiên cứu của mình.
Khó khăn đầu tiên đã được tháo gỡ. Các bạn trẻ bắt đầu tiến hành thực nghiệm để chiết tinh dầu từ lá trầu không. Qua tìm hiểu, Huy Dương đã trao đổi với các bạn về phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước.
Sau khi bàn bạc, cả nhóm đã quyết định sử dụng phương pháp này để tách tinh dầu từ lá trầu không. Những bước thực nghiệm ban đầu đã được tiến hành khá thuận lợi.
Nhưng nghiên cứu khoa học luôn tạo ra những thách thức, có bắt tay vào thực nghiệm mới thấy nhiều điều cần phải giải quyết.
“Khó khăn tiếp theo chúng em gặp phải đó là hàm lượng tinh dầu chiết ra trong dịch chiết khi chiết bằng nước thông thường là quá nhỏ, làm thế nào để tăng lượng tinh dầu chiết được đây?”, Ngọc Huyền là một thành viên trong nhóm chia sẻ.
Sau tìm tòi, suy nghĩ nhóm quyết định dùng phương pháp bổ sung muối NaCl vào trong dung dịch của quá trình chiết xuất. “Khi thực nghiệm được tiến hành theo hướng này, phát hiện lượng tinh dầu thu được nhiều hơn qua mỗi mẻ cất, chúng em vui lắm”- nhóm bạn trẻ chia sẻ.
Tiếp đến bước tạo nước rửa tay khô từ tinh dầu trầu không và chứng minh sản phẩm có tính diệt khuẩn là cả một quy trình không đơn giản.
Lúc này, sở trường của từng cá nhân trong nhóm được phát huy tối đa. Lê Bảo Khuê được nhóm phân công nhiệm vụ tìm ra phương án chứng minh tính diệt khuẩn của sản phẩm.
Cô bé lớp 9 này đã vui sướng khôn cùng khi nhận được kết quả phân tích trên ảnh chụp mẫu nước rửa tay khô với mẫu đối chứng. Mẫu đối chứng bị từng đốm vi khuẩn xâm lấn, trong khi mẫu nước rửa tay khô vẫn an toàn không bị vi khuẩn xâm nhập.