Gặp mặt 2 nữ chủ nhân giải thưởng Kovalevskaia 2010

Gặp mặt 2 nữ chủ nhân giải thưởng Kovalevskaia 2010

(GD&TĐ)-Chiều nay (8/3), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch UBGT Kovalevskaia Việt Nam đã trao giải thưởng mang tên nhà nữ Toán học Nga lỗi lạc Kovalevskaia 2010 cho hai nhà khoa học nữ: PGS.TS.Lương Chi Mai – Phó Viện trưởng Viện CNTT (Viện Khoa học & Công nghệ VN) và TS.Nguyễn Thị Lộc – Trưởng Bộ môn Phòng trừ Sinh học Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long.

cvcvcv
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình  trao giải thưởng Kovalevskaia 2010 cho hai nhà khoa học nữ: Ảnh: gdtd.vn

Đây là giải thưởng nhằm mục đích động viên, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ những nước đang phát triển như Việt Nam, Cuba, Peru, Mexico... Trong bối cảnh nghiên cứu khoa học của đất nước còn nhiều hạn chế, giải thưởng cao quý này có ý nghĩa hết sức đặc biệt và là nguồn động viên lớn lao đối với các nhà nữ khoa học tại Việt Nam, khuyến khích các chị em không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong NCKH và ứng dụng vào thực tiễn.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
PGS.TS.Lương Chi Mai (trái) và TS.Nguyễn Thị Lộc (phải) nhận bằng khen từ Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại lễ trao giải. Ảnh: gdtd.vn

PGS.TS.Lương Chi Mai (30/4/1958), đã có quá trình 29 năm công tác tại Viện CNTT - Viện Khoa học & Công nghệ VN. Trong thời gian đó, chị đã tham gia nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ, cao học, sinh viên, giảng dạy tập trung vào 3 lĩnh vực: Nghiên cứu các cách tiếp cận phân loại dữ liệu không gian và nhận dạng ảnh; nhận dạng ký tự quang học tập trung cho nhận dạng ký tự Việt; nhận dạng tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt.

PGS.TS.Lương Chi Mai – Phó Viện trưởng Viện CNTT (Viện Khoa học & Công nghệ VN) và TS.Nguyễn Thị Lộc
PGS.TS.Lương Chi Mai

Ngay từ năm 1980, khi lý thuyết nhận dạng còn mới mẻ đối với Việt Nam, PGS.TS.Lương Chi Mai đã bắt đầu tìm hiểu bài toán nhận dạng, một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo. Với sự giúp đỡ của các bậc đàn anh, các đồng nghiệp, chị tham gia nghiên cứu các phương pháp tăng hiệu quả nhận dạng và ứng dụng trong phân tích, xử lý dữ liệu viễn thám, nhận dạng quặng. Từ đó, hệ nhận dạng Reclass với khả năng tự động tạo sinh các thủ tục nhận dạng hiệu quả đã ra đời.

Bên cạnh đó, PGS còn có công trong việc nghiên cứu các thuật toán phân lớp trên cơ sở dữ liệu không gian. Từ kinh nghiệm làm việc với hệ thống xử lý ảnh viễn thám của CHDC Đức những năm 1983-1987, ứng dụng trên ảnh Viễn thám vệ tinh Landsat 4 của vùng đồng bằng Nam Bộ...

Trong những năm 1989-1990, PGS bắt đầu tìm hiểu khả năng áp dụng các thuật toán nhận dạng cho nhận dạnh ảnh ký tự với các cách tiếp cận đối sánh mẫu trên tư tưởng của phương pháp thống kê. Đây cũng là nền tảng để xây dựng hệ thống nhận dạnh ký tự chữ Việt in. PGS đã góp phần tiến hành thiết kế, phát triển phần mềm nhận dạng chữ Việt in với tên gọi VnDocr. Nhờ vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam đã giải quyết cơ bản các vấn đề máy đọc được các văn bản chữ Việt in, đáp ứng nhu cầu về tự động hóa lưu trữ, xử lý các văn bản chữ Việt.

Chuyển hướng sáng nghiên cứu lĩnh vực nhận dạng tiếng nói tiếng Việt từ năm 2000, đến nay, PGS.TS.Lương Chi Mai đã đạt được những thành công bước đầu trong việc số hóa tiếng Việt với những đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ có thanh điệu. Những đóng góp này không chỉ giúp cho việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt mà còn giúp cho quá trình dịch tiếng nói sang tiếng nói giữa 8 ngôn ngữ chính ở Châu Á trong khuôn khổ A-Star.

Tính đến nay, PGS.TS.Lương Chi Mai đã tham gia nghiên cứu 48 công trình trong đó có 4 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, đồng thời là đồng tác giả của 4 cuốn sách và tài liệu tham khảo...

Với những cống hiến xuất sắc cho khoa học công nghệ, sự nghiệp giáo dục nước nhà, PGS.TS.Lương Chi Mai đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Giải nhất giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 1999; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giải thưởng cán bộ nữ xuất sắc trong lĩnh vực CNTT...và đặc biệt là giải thưởng Kovalevskaia năm 2010.

PGS.TS.Lương Chi Mai – Phó Viện trưởng Viện CNTT (Viện Khoa học & Công nghệ VN) và TS.Nguyễn Thị Lộc
TS.Nguyễn Thị Lộc

TS.Nguyễn Thị Lộc (12/9/1956) là người có nhiều sáng kiến cải tạo kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình là 2 quy trình sản xuất 2 chế phẩm trừ sâu sinh học (M.a và M.b) được công nhận là tiến bộ kỹ thuật ở cấp Bộ. TS cũng đã có 2 loại thuốc trừ sâu sinh học được đưa vào danh mục bảo vệ thực vật (Ometar và Biovip) đang được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh, thành phía Nam.  Cùng với đó, TS.Nguyễn Thị Lộc đã cải tiến 2 quy trình sản xuất chế phẩm Ometar và Biovip với quy mô lớn (công suất 3 tấn/tháng), chất lượng và hiệu quả cao, hòa tan được trong nước rất tiện dụng cho bà con nông dân góp phần tích cực trong quản lý rầy nâu hại lúa tại đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm qua. Đồng thời, chị cũng đã nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao 5 quy trình trồng rau an toàn cho 5 loại rau chủ lực ở các vùng rau trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, TS.Nguyễn Thị Lộc đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ và đã tập huấn chuyển giao quy trình này cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân thuộc nhiều tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long, làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông sân hàng ngàn tỷ đồng.

Tại lễ trao giải thưởng Kovalexskaia, TS.Nguyễn Thị Lộc đã gửi lời nhắn nhủ đến các bạn nữ học sinh sinh viên trong cả nước: Để đạt được thành công, các bạn trẻ nên xác định rõ ràng mục tiêu và lý tưởng sống cho mình; cần phải có ước mơ, hoài bão để từ đó quyết tâm phấn đấu thực hiện những ước mơ chính đáng đó. Muốn vậy, các bạn nên nhận rõ những mặt mạnh và yếu của mình, tự khẳng định mình qua công việc và cuộc sống hàng ngày, tích cực tham gia công tác xã hội và hoạt động nghiên cứu khoa học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tự đó lựa chọn cho mình con đường đi phù hợp, nhằm phát huy cao nhất nội lực của bản thân.

Nhà nữ khoa học cũng nhắn gửi đến các bạn trẻ: "Các bạn đang được sống trong nền hòa bình, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chăm sóc, được hưởng những điều kiện về vật chất cũng như tinh thần tốt hơn chế độ chúng tôi rất nhiều, vì thế, các bạn nên dũng cảm nhận về mình những trong trách mà đất nước giao cho. Đó là, các bạn phải tiếp nối xứng đáng truyền thống anh hùng trong việc bảo vệ tổ quốc và truyền thống hiếu học của ông cha ta trước dây để phấn đấu nhanh chóng đưa nước ta thành một đất nước giàu mạnh về kinh tế, có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ kính yêu".

Hiếu Nguyễn