Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, SEAMEO có những kết quả đáng trân trọng

GD&TĐ - Sáng nay (6/3), tại Thái Lan, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng SEAMEO và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, GS Phạm Vũ Luận có cuộc hội đàm với Ngài Admiral Narong Pipathanasai - Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (trái) hội đàm với Bộ trưởng Admiral Narong Pipathanasai (phải)
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (trái) hội đàm với Bộ trưởng Admiral Narong Pipathanasai (phải)

Vui mừng được gặp ngài Admiral Narong Pipathanasai, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan đã ủng hộ ông trong vai trò Chủ tịch Hội đồng SEAMEO và nhấn mạnh:

“Với sự ủng hộ của các Bộ trưởng trong Hội đồng SEAMEO, tôi sẽ tiếp tục tập trung hết sức để cùng Tổ chức SEAMEO thực hiện thật tốt những nghị quyết đã được Hội đồng thông qua tại Hội nghị SEAMEC 47 cũng như những định hướng đã xác định tại Đối thoại chiến lược các Bộ trưởng SEAMEO (tổ chức tại Lào tháng 9/2014) và Đại hội SEAMEO; cùng góp sức hoạch định những kế hoạch mới cho thời gian tới”.

Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông báo một số nội dung trong khuôn khổ hoạt động SEAMEO tới ngài Admiral Narong Pipathanasai, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan. Cụ thể:

Xây dựng các Kịch bản và Chương trình nghị sự Giáo dục sau năm 2015 và sau EFA (Giáo dục cho mọi người) tại ĐNÁ

Tại Diễn đàn đối thoại chiến lược của các Bộ trưởng giáo dục SEAMEO (SDEM) được tổ chức tháng  9/2014 tại Vientiane, 7 lĩnh vực ưu tiên đối với SEAMEO (giai đoạn 2015 - 2035) được xác định bao gồm:

1) Chăm sóc và giáo dục mầm non;

2) Xóa bỏ rào cản hòa nhập cộng đồng;

3) Khả năng chống chịu trong tình huống khẩn cấp;

4) Xúc tiến giáo dục dạy nghề (TVET);

5) Đào tạo giáo viên;

6) Hài hòa hóa trong hoạt động nghiên cứu và giáo dục  đại học;

7) Áp dụng chương trình giảng dạy của thế kỷ 21.

7 lĩnh vực ưu tiên này cấu thành Chương trình nghị sự giáo dục SEAMEO sau 2015. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong Bộ trưởng Admiral Narong Pipathanasai ủng hộ thúc đẩy 7 ưu tiên này cũng như ủng hộ nghiên cứu đang thực hiện nhằm xây dựng Chương trình nghị sự giáo dục của SEAMEO.

Kiến nghị từ Đại hội SEAMEO: Nhìn lại Giáo dục, Khoa học và Văn hóa hướng tới Hội nhập Khu vực

Những kiến nghị chính tại Đại hội SEAMEO (11/2014) gồm:

a) Nâng cao quản trị và tạo dựng môi trường thuận lợi cho giáo dục;

b) Tăng cường mối liên kết giữa các hệ thống giáo dục chính quy, không chính quy và giáo dục không chính thức;

c) Đặt giáo dục vào hệ thống văn hóa - xã hội hiện nay;

d) Thiết kế công tác giảng dạy - học tập hiệu quả và gắn chương trình giảng dạy với nhu cầu của thị trường lao động;

e) Phát triển lãnh đạo trong giáo dục;

f) Đẩy mạnh hợp tác đa phương;

g) Tận dụng tối đa công nghệ thông tin và truyền thông; h) thúc đẩy giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM -  Science, Technology, Engineering and Mathematics);

i) Liên tục tăng cường năng lực.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị Bộ trưởng Admiral Narong Pipathanasai chia sẻ quan điểm về cách thức áp dụng các kiến nghị của Đại hội SEAMEO vào bối cảnh và hoạt động cải cách giáo dục đang triển khai tại của Thái Lan.

Kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO

Bộ trưởng Admiral Narong Pipathanasai đánh giá trong nhiệm kỳ dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, SEAMEO đã có những kết quả đáng trân trọng, đồng thời bày tỏ sự nhất trí với những kế hoạch Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra; khẳng định trong nhiệm kỳ tới sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, đưa SEAMEO ngày càng phát triển trong khu vực và quốc tế.

Tháng 11/2015, SEAMEO sẽ bước qua một dấu mốc quan trọng đánh dấu 50 năm xây dựng và trưởng thành.

Hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO nhằm mục đích: Vinh danh những thành tựu  SEAMEO đã đạt được và nêu bật dấu mốc 50 năm; nâng cao vị thế, ghi nhận và hình ảnh của SEAMEO ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; khơi dậy lòng tự hào về tổ chức trong từng thành viên và các bên liên quan của SEAMEO; tăng cường hợp tác giữa các trung tâm SEAMEO trong khu vực với các các đối tác và các bên liên quan.

Hoạt động kỷ niệm 50 năm cần có sự tham gia và ủng hộ  từ các bên liên quan của SEAMEO như Bộ Giáo dục của các quốc gia thành viên, các quốc gia thành viên liên kết và các tổ chức thành viên liên kết.

Chủ đề lễ kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO là: Giáo dục hướng tới Phát triển Bền vững. Lễ kỷ niệm chính thức dự kiến được tổ chức vào dịp diễn ra Hội nghị Hội đồng SEAMEO lần thứ 48 vào tháng 5/2015. Ban Thư ký SEAMEO và các Trung tâm SEAMEO đang tích cực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này.

Trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tham khảo các ý kiến/kiến nghị của Bộ trưởng Admiral Narong Pipathanasai về các hoạt động có khả năng sẽ được Bộ Giáo dục Thái Lan tiến hành nhân kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ, Bộ Giáo dục Thái Lan đã ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện để các Trung tâm hoạt động tốt, thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ của mình, đồng thời có những đóng góp, hỗ trợ  lớn đối trong lĩnh vực hoạt động của mình đối với các nước thành viên SEAMEO khác, trong đó có Việt Nam.

Đề xuất nhằm đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt Nam - Thái Lan

Một số hoạt động đã được đề xuất nhằm đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan  trong thời gian tới. Cụ thể:

+ Tăng cường hơn nữa hợp tác học thuật giữa hai nước như trao đổi cán bộ làm công tác giáo dục, sinh viên, học sinh (thông qua các chương trình giao lưu sinh viên, thanh niên) và các chương trình đào tạo; Thái Lan tiếp tục cấp học bổng đi học thạc sĩ (và nếu có thể mở rộng cấp học bổng đi học đại học và tiến sĩ), học bổng đi dự các khóa đào tạo ngắn hạn tại Thái Lan cho các học viên Việt Nam.

+ Tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động của Nhóm Công tác chung trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước.

+ Việc giảng dạy tiếng Thái tại các trường đại học của Việt Nam đang được triển khai tốt cũng như việc giảng dạy tiếng Việt tại một số trường ở Thái Lan đang được quan tâm. 

Sau cuộc họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ hai tại Việt Nam năm 2012, hai bên đã thống nhất sẽ xem xét khả năng thành lập Trung tâm Ngôn  ngữ và Giáo dục Việt Nam tại Thái Lan và Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan tại một số trường đại học của Việt Nam. 

Bộ GD&ĐT Việt Nam trân trọng đề nghị Bộ Giáo dục Thái Lan phối hợp cùng triển khai thực hiện việc này. Đồng thời, đề nghị phía Thái Lan xem xét khả năng đưa tiếng Việt vào dạy như một ngoại ngữ trong trường học của Thái Lan.

+  Đề nghị Bộ Giáo dục Thái Lan xem xét, giúp Bộ GD&ĐT Việt Nam đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ giảng dạy của Việt Nam để chuẩn bị cho một cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.

+ Bộ GD&ĐT kiến nghị hai Bộ Giáo dục hai nước xây dựng chương trình kết nghĩa giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam và Thái Lan để các cơ sở giáo dục của hai nước có thể chủ động tổ chức cho học sinh, sinh viên, giáo viên gặp gỡ nhau giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược. Về giáo dục - đào tạo, hai Bộ Giáo dục đã có Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa hai nước được ký năm 2004. 

Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này, từ ngày 28/2 -  2/3/2014, Bộ GD&ĐT đã đón tiếp đoàn cán bộ giáo dục Thái Lan do Ngài Chaturon Chaisang, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ